Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đây là dự án luật lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến nên nhận được nhiều sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại tổ Thái Nguyên, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng đề cập đến sự ràng buộc nhau giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh trong dự án luật này.

Về cơ sở pháp lý trước khi có dự án luật này thì đã có Pháp lệnh về Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), Pháp lệnh về động viên công nghiệp (năm 2003), nhưng chưa có chế tài nào về công nghiệp an ninh ngoài Nghị định 63 của Chính phủ (năm 2020).

b51fd2baddae0bf052bf.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu chiều nay.

“Công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh có tính ràng buộc nhau nhiều. Dự án luật nêu rõ những gì công nghiệp quốc phòng đã làm được thì công nghiệp an ninh kế thừa và sử dụng. Còn những gì công nghiệp quốc phòng chưa làm, chưa nghiên cứu được mà công nghiệp an ninh nghiên cứu được thì công nghiệp quốc phòng cũng không đầu tư, nghiên cứu vào lĩnh vực đó”, Đại tướng Phan Văn Giang phân tích.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam ban hành năm 2019 đã nêu rõ Việt Nam theo đuổi chính sách quốc phòng 4 không, với quan điểm là hiện đại, tự lực, tự cường, tự chủ. Bộ trưởng Quốc phòng cho biết khi dự các hội nghị an ninh thế giới ông đều nói về chính sách quốc phòng này.

Giải thích một số quy trình sản xuất trang thiết bị vũ khí, Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh đây là lĩnh vực rất khó, “không thể nói năm nay tôi làm cái này, sang năm tôi làm cái khác được”. Tuy nhiên cần đưa công nghiệp quốc phòng, an ninh trở thành mũi nhọn của đất nước.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu vũ khí đều không chuyển giao công nghệ lõi. Việt Nam đang dần tự sản xuất một số loại vũ khí, không phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Về cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân lực cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn chứng về Viettel được như ngày hôm nay là do có cơ chế đặc thù thu hút nhân lực.

"Có người người ở nước ngoài lương tính ra tiền Việt khoảng 300-400 triệu/tháng, khi về Việt Nam thì lương người ta cũng muốn phải được 150 triệu một tháng. Đi xa càng muốn về. Về nước cống hiến nếu được kết nạp vào Đảng, trở thành sĩ quan và chỉ huy, cũng là nguyện vọng của đại đa số những nhà khoa học. Rất nhiều người muốn như thế. Chúng tôi thu hút những người đó", Đại tướng Phan Văn Giang chia sẻ.

Ông cho biết, có những người từng làm cho Boeing, Airbus, Lockheed Martin lương rất cao, cuộc sống đầy đủ nhưng họ vẫn về Việt Nam làm việc. Đây là những người giỏi nên phải có chính sách riêng để đãi ngộ.

Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định các ý kiến đại biểu nêu sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa để báo cáo Quốc hội.

Cần bảo vệ nhà khoa học như yếu nhân

Trước đó, ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cho rằng, cần có chính sách thu hút nhà khoa học không phải là sĩ quan hiện đang làm việc tại các viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.

"Đây là những người rất giỏi về công nghệ lõi, công nghệ nền. Chúng ta phải có cơ chế, chính sách thu hút họ. Trong dự án luật cũng đã nêu tuy nhiên chưa thể hiện rõ", ĐB đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý dự án luật rõ hơn. 

Đặc biệt với nhà khoa học đầu ngành, ngoài cơ chế về lương bổng, đãi ngộ theo ĐB Công cần có cơ chế bảo vệ. Rất nhiều quốc gia có những nhà khoa học đầu ngành đưa vào chế độ bảo vệ như yếu nhân. Bởi để có được một nhà khoa học không đơn giản, trong hàng triệu người mới có một người. 

e6d3687e646ab234eb7b.jpg
ĐB Dương Khắc Mai.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhận định, trước những diễn biến phức tạp của cuộc xung đột quốc tế hiện nay và nhiệm vụ bảo vệ đất nước, cho thấy dự án luật có vai trò rất cần thiết.

“Từ bom ba càng đến tên lửa đánh chặn máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội trong những năm chiến tranh ác liệt rồi máy bay không người lái mà Viettel chế tạo mới đây, là những bước tiến quan trọng”, ông Mai nhấn mạnh.

Ông cho biết, dự án luật nhằm mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển trước mắt và dài hạn cho an ninh quốc gia, bảo vệ lãnh thổ và thực hiện khát vọng hùng cường.