Phát biểu tại St Petersburg ngày 12/9, ông Putin khẳng định, Moscow sẽ coi việc phương Tây cho phép các lực lượng Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do họ chuyển giao để tập kích lãnh thổ Nga là "sự can dự trực tiếp" vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Putin Sputnik 4.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

“Động thái sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột. Điều này có nghĩa các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và các quốc gia châu Âu đang chiến đấu chống Nga”, lãnh đạo Điện Kremlin giải thích.

Ông lưu ý, để phóng tên lửa vào Nga, Ukraine sẽ cần dữ liệu từ các vệ tinh của phương Tây và chỉ có quân nhân từ các nước NATO mới có thể "nhập nhiệm vụ bay vào các hệ thống tên lửa".

Phát biểu trên được coi là lời khuyến cáo rõ ràng của nhà lãnh đạo Nga gửi tới phương Tây. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu phương Tây có vượt qua “lằn ranh đỏ” đó và nếu có, Moscow sẽ phản ứng ra sao.

Theo BBC, Nga trước đây từng vạch ra những “lằn ranh đỏ” và cũng từng chứng kiến ​​chúng bị vượt qua. Cụ thể, khi tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow ở nước láng giềng vào ngày 24/2/2022, ông Putin cảnh báo: "Bất kể ai cố gắng cản đường chúng tôi hoặc tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân Nga, họ phải biết rằng Nga sẽ đáp trả ngay lập tức. Và hậu quả sẽ là điều các người chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình".

Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây đã phớt lờ những gì được đông đảo dư luận tin là lời đe dọa sử dụng hạt nhân của Nga vào thời điểm đó. Về sau, Washington và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine xe tăng, hệ thống tên lửa tiên tiến và gần đây nhất là máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Năm nay, Moscow cáo buộc quân Kiev đã sử dụng các tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ để nhắm bắn Crưm, bán đảo sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

Suốt 2 năm qua, các quan chức và truyền thông ở xứ sở bạch dương đã nhiều lần cáo buộc phương Tây "chống lại Nga" hoặc phát động "một cuộc chiến" nhằm vào nước này. Song, phát biểu mới nhất của Tổng thống Putin ám chỉ, ông xem việc nhắm mục tiêu vào lãnh thổ được quốc tế công nhận của Nga bằng các hệ thống tên lửa phương Tây sẽ đưa xung đột lên một tầm cao mới.

Dẫu vậy, ông Putin không đề cập rõ Moscow sẽ phản ứng như thế nào. "Chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định tương ứng, dựa trên các mối đe dọa chúng tôi sẽ phải đối mặt", nhà lãnh đạo Nga nói.

Hôm 13/6, Nga đã thu hồi giấy phép hoạt động của 6 nhà ngoại giao Anh tại Moscow, đồng thời cáo buộc những người này có liên quan tới hoạt động gián điệp và phá hoại. Giới quan nhận định, phản ứng của Điện Kremlin có thể lớn hơn nhiều. Ông Putin từng tiết lộ một số manh mối hồi tháng 6.

Tại cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các hãng thông tấn quốc tế cách đây 3 tháng, khi được hỏi Nga sẽ phản ứng thế nào nếu Ukraine được trao cơ hội tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do châu Âu chuyển giao, ông Putin đáp: "Đầu tiên, chúng tôi tất nhiên sẽ cải thiện hệ thống phòng không của mình. Chúng tôi sẽ phá hủy các tên lửa của họ”.

“Thứ hai, chúng tôi tin, nếu ai đó nghĩ có thể cung cấp vũ khí như vậy cho một vùng xung đột để tấn công lãnh thổ và gây ra vấn đề cho chúng tôi, tại sao chúng tôi không thể cung cấp vũ khí cùng loại cho các khu vực trên thế giới, nơi họ sẽ chĩa chúng vào các cơ sở nhạy cảm của những quốc gia đang làm điều tương tự với Nga?”, ông Putin nói thêm. Phát biểu dường như cho thấy, Moscow cũng đã cân nhắc việc trang bị vũ khí cho các đối thủ của phương Tây để tập kích các mục tiêu thuộc về họ ở nước ngoài.

Đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thông báo, Moscow sẽ sửa đổi học thuyết hạt nhân, vốn quy định trong những trường hợp nào Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí nguyên tử. Theo ông Ryabkov, quyết định "có liên quan đến quá trình leo thang của các đối thủ phương Tây".

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đang ở Washington để hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong số các vấn đề mà hai nhà lãnh đạo dự kiến ​​có vấn đề về Ukraine và tên lửa tầm xa. Ông Starmer quả quyết Nga “bắt đầu cuộc xung đột và có thể chấm dứt nó ngay lập tức”.

Theo giới phân tích, trước diễn biến mới, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ phải quyết định xem điều nào họ coi trọng hơn - nguy cơ leo thang xung đột hay nhu cầu dỡ bỏ lệnh hạn chế Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây cung cấp.