Nếu thế giới tổ chức một cuộc thi kỳ thú về khả năng cõng dành cho… gà, thì rất nhiều khả năng gà Việt Nam sẽ giật ngôi quán quân một cách thuyết phục nhất.
Dự đoán này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo một thống kê của “người trong cuộc” được báo chí đưa gần đây, thì trên lưng một con gà VN gánh tới 14 loại phí. Mà đâu chỉ vậy, đến trứng của gà đẻ ra chỉ riêng phí thú y cũng đã 3 loại.
Khi thu nhập giảm mà chi phí lại tăng thì việc tìm sinh kế từ nghề nông ở ta thật không dễ dàng chút nào. Giấc mơ một cuộc sống sung sướng dường như còn quá xa vời với người nông dân Việt.
Phí chồng đống, gánh nặng nề
Chỉ cần đọc, chứ chưa phải trực tiếp đóng, các loại phí mà một kg thóc đang chịu trên thị trường mà báo chí liệt kê ra đã đủ thấy hoảng.
Những loại căn bản sơ sơ có chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tiền công làm đất, cấy, gặt, tuốt lúa, điều hành phòng chống bão lụt, nạo vét kênh mương, công điều hành của trưởng thôn, sửa chữa trạm bơm, cống đập, đại hội xã viên, kiểm kê, quản lý, khoa học kỹ thuật, quỹ diệt chuột, lãi suất vốn vay, v.v...
Nhưng ở làng quê còn biết bao loại phí khác cũng đè vào đầu hạt thóc. Ví như tiền đóng quỹ công ích, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ trẻ em, quỹ người cao tuổi, quỹ an ninh, quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn, quỹ xây dựng nhà văn hóa thôn xóm, quỹ xây dựng nghĩa trang, quỹ người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ xóa nhà tạm…
Một quả trứng muốn đi từ nơi nuôi gà đẻ trứng từ ĐBSCL đến nơi tiêu thụ cũng phải vòng vèo 3 loại phí kiểm dịch. Lần thứ nhất là khi thương lái chuyển số trứng về cơ sở. Lần 2 là sau khi phân loại, đóng thành cây để xuất đi TP. HCM; Nhập vào TP. HCM phải đóng phí thêm lần thứ 3 mới có thể tiêu thụ được.
Còn một con gà cũng phải “anh dũng” gánh từ lúc nuôi đến lúc xuất thịt, giết mổ phải chịu khoảng 14 loại phí, lệ phí. Nào là phí kiểm dịch gà con mới nở, phí cấp giấy kiểm dịch xuất gà con khỏi trại ra ngoài tỉnh/nội tỉnh, phí tiêu độc sát trùng, phí kiểm soát giết mổ… Trong quá trình chăn nuôi, định kỳ 3-6 tháng cơ sở phải lấy mẫu nước, phân để kiểm tra kháng thể một số bệnh cũng phải đóng phí.
Một con gà phải gánh 14 loại phí. Ảnh minh họa |
Phí nhiều đã đành, lại có những khoản phí rất vô lý mà người dân phải chịu đựng. Ví dụ giấy phép kiểm dịch trứng có giá trị 1 ngày tại Lào Cai. Hoặc là quy định kiểm dịch mật ong, giống thủy sản theo kiểu mà báo chí đã mô tả là “ngó qua một cái, cấp cho 1 tờ giấy phép rồi thu tiền”. Hay ở Hà Tĩnh còn có chuyện dân nuôi vịt phải đóng phí phải đóng phí cho xã với mức nuôi thịt thì là 1.000 đồng/con, còn nuôi để đẻ thì 2.000 đồng.
Năm 2012, một tờ báo từng làm loạt bài dài kỳ về Nông sản oằn lưng cõng phí, thống kê tràng giang đại hải các loại phí từ heo, gà, cá, rau… phải gánh. Hơn 2 năm trôi qua, có vẻ khả năng “cõng” vẫn không hề suy giảm.
Tháng 10/2013, trên báo Thanh niên, một chuyên gia dẫn báo cáo của Bộ NN-PTNT, cho biết hiện nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí theo quy định của nhà nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định, một hộ nông dân bình quân mỗi năm phải đóng từ 250.000 - 800.000 đồng cho các khoản. Nhiều khoản chính quyền địa phương kêu gọi đóng góp tự nguyện nhưng thật ra là ... không đóng không được.
Cứ với cung cách này, việc nâng sức cạnh tranh của nông sản Việt và gia tăng thu nhập cho nông dân ở Việt Nam còn rất gian nan, trong bối cảnh cơ cấu cây trồng bất cân đối và cơ cấu ngành hàng thiếu đồng bộ đang là 2 điểm yếu lớn của nông nghiệp VN khi hội nhập quốc tế.
Làm nông dân ở đâu sướng?
Người nông dân đang chờ đợi những thay đổi và cải tiến, trong đó có việc rà soát và loại bỏ các loại phí bất hợp lý và nặng nề nên hạt thóc, củ khoai, con gà, quả trứng… của họ. Nhất là khi ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã lên tiếng và đưa ra giải pháp sau vụ một con gà gánh 14 loại phí mà báo chí vừa nêu ra đầu tháng 1/2015.
Cùng lúc, họ cũng đang chờ mong các giải pháp mới giảm thuế phí, giảm trung gian trong tiêu thụ nông sản, gia tăng thu nhập và phát triển đời sống. Họ cũng hy vọng sống được bằng chính nghề nông của mình, không phải bỏ đất, bỏ làng, vật vờ kiếm tìm việc làm, cơ hội nơi thành thị bon chen.
Trong khi giấc mơ cuộc sống sung sướng, đủ đầy của nông dân Việt dường như còn quá xa xôi, thì có lẽ hãy tạm nhìn ra xung quanh, biết đâu có thể giúp chúng ta hình dung giấc mơ ấy rõ rệt hơn chăng?
“Sướng như nông dân Nhật”, đó là tiêu đề bài viết của một tiến sĩ ngành nông nghiệp trong một bài viết năm 2012. Theo vị tiến sĩ này, mô hình chợ đấu giá nông sản ở Nhật đã làm cho nông dân có thể bán ra sản phẩm của mình giá cao nhất, tương xứng với chất lượng mà không phải qua các khâu trung gian vốn phát sinh nhiều chi phí không cần thiết. Hiện Nhật có 130 công ty đấu giá nông sản tại 37 tỉnh thành phố.
Các chợ đấu giá nông sản do Bộ Nông nghiệp Nhật cấp phép, Chính phủ đầu tư vào xây dựng thô và máy móc hết 61 tỷ Yên, còn các công ty đấu giá tự trang bị hệ thống máy tính. Nông dân muốn tham dự đấu giá chỉ cần qua hợp tác xã hoặc tụ lại thành nhóm, xin mã số rồi tham gia là được. Thông tin giá cả và chất lượng hàng hóa đấu giá đều minh bạch, có thể kiểm tra lập tức qua mạng Internet và vì vậy người tiêu dùng đầu cuối và nông dân là đầu vào làm ra sản phẩm đều hài lòng.
Trong khi đó, tại Australia, một mô hình cũng có thể coi là “nông dân rất sướng khác” chỉ vẻn vẹn 400 ngàn nông dân, chiếm 4% lực lượng lao động nhưng chỉ số tự cung tự cấp về thực phẩm của Australia cao nhất thế giới. Sản lượng lương thực và vải vóc trung bình của mỗi người nông dân đủ để "nuôi" 190 người.
Nông dân Australia được khuyến khích thành lập Hiệp hội ngành nghề của mình. Hiệp hội đã hướng dẫn chính xác trong tính toán cung-cầu của thị trường. Vì vậy họ không cần phải "chặt/trồng" để theo đuôi thị trường, cũng không cần phải tiếp cận với thương lái trong những thương vụ mang tầm vĩ mô như xuất khẩu, nhập khẩu vì đã có Hiệp hội lo. Thu nhập cao là điểm then chốt giúp nông dân Australia bám trụ, xây dựng nông thôn mới, và tiếp tục đưa nền nông nghiệp của quốc gia này tiến lên.
Một thông tin khác được báo chí cung cấp cho biết, nông dân Mỹ vào hàng giàu có nhất thế giới. Bởi nước này hiện có khoảng hơn 50 ngàn nông trại có doanh thu trên 1 triệu đô/năm và thu nhập hộ gia đình bình quân là 200 ngàn đô/năm, gấp đôi so với thu nhập của một luật sư hay bác sĩ…
Để người nông dân chạm vào được những giấc mơ ấy hẳn còn nhiều việc phải làm, trong đó chắc chắn phải gỡ bỏ bớt những cái gánh họ đang phải oằn lưng gánh.
Tham khảo:
Tầm vóc hạt thóc hay tinh thần ‘oằn lưng cõng phí’, Báo Đất Việt, 25/07/2013.
Một con gà 'cõng' 14 loại phí, VnExpress, 9/1/2015.
Sướng như nông dân Mỹ, TT&VH, 22/02/2014.