Số liệu từ Worldmeters tính tới ngày 23/3 cho biết, Nhật Bản có 1.101 ca nhiễm và 41 trường hợp tử vong vì virus Covid-19, so với số ca nhiễm corona ở Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 81.000 và 8.961. Và điều này khiến các chuyên gia y tế cảm thấy khó hiểu.

Không như Trung Quốc đặt ra các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, hay như lệnh phong tỏa theo diện rộng ở châu Âu, hoặc các thành phố lớn tại Mỹ khuyến cáo người dân nên ở nhà, Nhật Bản không hề áp dụng lệnh phong tỏa.

Tất nhiên tại Nhật vẫn có nhiều trường học phải đóng cửa, nhưng cuộc sống của người dân quốc gia này vẫn diễn ra như thường nhật. Các chuyến tàu vẫn chật cứng trong giờ cao điểm, hay nhiều nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ khách hàng tại thủ đô Tokyo.

{keywords}
Đường phố tại Nhật vẫn tấp nập bất chấp dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Câu hỏi được đặt ra là Nhật Bản đã làm thế nào để chống lại dịch Covid-19. Chính phủ Nhật cho rằng, nước này rất tích cực trong việc xác định các ổ lây nhiễm và kiềm chế không cho dịch bệnh phát tán. Và điều này đã khiến số ca nhiễm Covid-19 tính bình quân đầu người tại Nhật ở mức thấp nhất trong các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến nói về việc Nhật Bản đã lỏng lẻo trong xét nghiệm, nhằm giữ cho số người nhiễm bệnh ở mức thấp. Các chỉ trích này hoàn toàn có cơ sở khi chính quyền Tokyo phản ứng chậm với dịch bệnh, hay như quyết định không ngăn khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào nước này cũng dẫn tới nhiều ý kiến cho rằng Nhật Bản sẽ trở thành một ‘ổ dịch Vũ Hán thứ hai’.

Tuy nhiên cho tới ngày 23/3 tại Nhật chỉ có hơn 1.100 ca nhiễm bệnh, so với số người nhiễm ở Mỹ, Pháp và Đức đều lên tới hàng chục ngàn người. Tại thủ đô Tokyo, một trong những đô thị có mật độ dân cư lớn nhất toàn cầu, số ca nhiễm Covid-19 chỉ chiếm khoảng 0,0008% số dân sống tại đây. Hay thậm chí nơi chịu thiệt hại nặng nhất vì Covid-19 tại Nhật là hòn đảo Hokkaido cũng đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, khi số ca nhiễm Covid-19 mới đang giảm dần.

{keywords}
Đường phố tại Nhật vẫn tấp nập, khác hẳn cảnh vắng vẻ tại các nước châu Âu. Ảnh: Reuters

Giáo sư Kenji Shibuya thuộc Đại học Hoàng đế London nhận định có hai khả năng: chính phủ Nhật đã kiềm chế sự lây lan Covid-19 thông qua việc tập trung vào các ổ nhiễm bệnh, hoặc có nhiều ca bệnh mới chưa được phát hiện.

“Cả hai khả năng này đều có thể xảy ra, nhưng theo tôi thì Nhật Bản sẽ sớm phải chứng kiến một cuộc bùng phát về ca nhiễm Covid-19. Số ca được xét nghiệm đang tăng lên, nhưng chưa đủ”, Japan Times trích lời ông Shibuya nói.

“Nhật Bản đã ‘gặp may’ khi chỉ có một số ít các ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh vào nước này, do vậy chính phủ Nhật chỉ cần tập trung vào một số khu vực nhất định, và như vậy rất dễ kiểm soát dịch bệnh”, học giả y tế người Mỹ Laurie Garrett nhận định.

Ngoài ra theo Japan Times, Nhật Bản cũng có một số ‘lợi thế’, khi văn hóa bắt tay và ôm ở nước này ít phổ biến hơn so với các nước châu Âu. Đồng thời tỷ lệ người dân nước này có thói quen rửa tay cũng cao hơn so với nhiều nước Tây Âu. Hơn nữa việc đeo khẩu trang khi bị ốm hoặc cảm tại Nhật trong nhiều năm qua có thể đã khiến tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở nước này thấp.

Tuy nhiên Business Insider trích lời Phó Giáo sư Jason Kindrachuk cho biết, số ca nhiễm thấp tại Nhật sẽ mang lại một ‘cảm giác an toàn sai lầm’. “Nếu bạn không thực sự kiểm tra và hiểu rõ khả năng phát tán rộng rãi của loại virus này ra sao, thì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ có thể bị áp đảo (bởi dịch bệnh)”, ông nói.

Tuấn Trần