Quyết định đảo chiều

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giảm lãi suất cơ bản 50 điểm phần trăm từ mức 1,5-1,75% xuống 1%-1,25% nhằm khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy  giảm tăng trưởng do dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Mỹ.

Theo Fed, các yếu tố nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đang ngày càng đe dọa đến hoạt động kinh tế và rủi ro có thể gây bất ổn tới việc làm của người dân.

Như vậy, quyết định lần này là trái ngược với tuyên bố của Fed trong biên bản cuộc họp gần nhất. Mức giảm 50 điểm phần trăm cũng là mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Điều đáng nói là Fed đã không thể chờ tới cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/3 tới mà đã buộc phải hạ lãi suất ngay lập tức giải cứu nền kinh tế.

{keywords}
Fed giảm mạnh lãi suất để giải cứu nền kinh tế Mỹ.

Trong biên bản cuộc họp gần nhất, Fed vẫn cho rằng, các chính sách vẫn “phù hợp” với diễn biến của nền kinh tế. Khi đó, thị trường việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% và thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ liên tục lập đỉnh cao lịch sử với hãng loạt các doanh nghiệp lớn như Apple, Dow và McDonalds... đều công bố kết quả kinh doanh tích cực.

Trong năm 2019, Fed đã có 3 lần giảm lãi suất (sau 1 thập kỷ lãi suất theo một chiều tăng lên sau khủng hoảng 2008), mỗi lần hạ 25 điểm cơ bản xuống mức 1,5-1,75%/năm. Tuy nhiên, cuối 2019 và đầu 2020 Fed đã phát đi tín hiệu cho biết có thể sẽ ngừng cắt giảm lãi suất thêm nữa. Nền kinh tế Mỹ được cho là chịu ảnh hưởng không lớn từ dịch cúm đang bùng phát ở châu Á. Đây có thể là lý do khiến Fed có thêm thời gian để cân nhắc.

Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng qua, tình hình đã đảo ngược toàn bộ. Nước Mỹ đã không còn miễn nhiễm với dịch Covid-19 và chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần tồi tệ nhất trong lịch sử với những phiên giảm trên 1.000 điểm và vốn hóa bốc hơi hàng ngàn tỷ USD.

Động thái giảm mạnh lãi suất lần này còn diễn ra trong bối cảnh Fed không ngớt bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích vì không giảm lãi suất để có thể cạnh tranh chính sách với các NHTW khác trên toàn cầu.

Mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn chưa làm hài lòng tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, Fed "phải nới lỏng nhiều hơn nữa, và quan trọng nhất là về ngang bằng các quốc gia/đối thủ khác". Rất nhiều nước trên thế giới đang áp dụng lãi suất gần 0% hoặc thậm chí là âm.

Động thái mới của Fed được đưa ra vào cùng thời điểm G7 có được sự đồng thuận để giải cứu kinh tế nhưng chưa có biện pháp cụ thể.

{keywords}
Thế giới vật lộn với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Cuộc đua xuống đáy, rủi ro đe dọa

Một diễn biến bất thường đã xảy ra trên thị trường tài chính Mỹ. TTCK nước này tụt giảm mạnh ngay sau khi đón nhận thông tin Fed giảm mạnh lãi suất.

Trong phiên trước đó, trong phiên 2/3 chứng khoán Mỹ đã có một phiên tăng điểm mạnh nhất trong 10 năm ngay sau khi chính quyền ông Donald Trump cân nhắc giảm thêm thuế và Fed có khả năng giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế trước dịch Covid-19. Chỉ số Dow Jones tăng kỷ lục gần 1.300 điểm, tương đương mức tang 5,1%, lên trên 26,7 ngàn điểm. Các chỉ số khác đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam), Dow Jones đã quay đầu sụt hơn 700 điểm bất chấp việc Fed hạ lãi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lập đáy mới: lần đầu tiên trong lịch sử rớt xuống dưới môc 1% do các NĐT đổ xô tìm đến nơi an toàn. Vàng tăng vọt gần 3% trong một phiên lên trên 1.645 USD/ounce.

{keywords}
Thị trường tài chính chao đảo, vàng tăng vọt trở lại lên 1.645 USD/ounce sau khi Fed cắt giảm lãi suất. Lợi tức trái phiếu 10 năm Mỹ lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 1%/năm.

Trên CNBC, một số đánh giá cho rằng, quyết định giảm mạnh và giảm khẩn cấp trước phiên họp cho thấy Fed thực sự lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ.

Hơn thế, nhiều NĐT cũng thất vọng với tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed không sẵn sàng sử dụng bất kỳ công cụ bổ sung nào để kích thích nền kinh tế ngoài việc cắt giảm lãi suất.

Lãi suất giảm cũng khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng Mỹ giảm mạnh. Cổ phiếu Bank of America sụt hơn 5,5%, JPMorgan Chase và Citigroup đều giảm 3,8%.

Các NĐT hiện vẫn lo ngại khả năng suy thoái kinh tế khi các nước đang đối mặt với khả năng suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng trong bối cảnh 2 trụ cột thế giới bị đe dọa: chuỗi cung ứng tại Trung Quốc ngừng trệ nhiều tuần nay, trong khi hệ thống tài chính của thế giới nằm tại Mỹ cũng đang bị đe dọa.

Làn sóng cắt giảm lãi suất đã rõ hơn bao giờ hết.

{keywords}
Ông Donald Trump tiếp tục chỉ trích Fed, kêu gọi tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức thấp như các nước.

Hôm 3/3, Ngân hàng Dự trữ Australia - Ngân hàng Trung ương của Úc (RBA) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản bớt 25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục mới: 0,5%, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế thế giới và nước này.

Trước đó, TTCK Úc đã chứng kiến những phiên tụt giảm mạnh và vốn hóa của thị trường này đã bốc hơi khoảng 130 tỷ USD. Đồng đô-la Úc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên gần đây.

Hầu hết các ông lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật... đều đã giảm hoặc đưa ra những gợi ý về sự thay đổi chính sách tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất trong tuần tới.

Chính phủ Đức cũng cho biết đã sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa của nước này nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật cũng sẽ có “những biện pháp cần thiết” để bình ổn thị trường tài chính. Trước đó, Trung Quốc đã giảm lãi suất và bơm một lượng tiền lớn vào thị trường.

Điều đáng lo ngại là ở chỗ hầu hết các nước, trong đó có G7 không có biện pháp gì ngoài hạ lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế. Một cuộc đua xuống đáy tiếp tục cho dù lãi suất đang ở mức rất thấp, nhiều nước sát 0 và một số nơi âm. Sau 2 cuộc khủng hoảng, tài chính 2008 và giờ là Covid-19, cái đệm chính sách của thế giới ngày càng co hẹp lại.

M. Hà