TASS đưa tin, đây là lời xác nhận của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vào ngày 30/3.  

Trước đó, vào ngày 29/3, Thứ trưởng Ryabkov nói rằng tất cả các loại thông báo giữa Nga và Mỹ theo Hiệp ước hạt nhân New START đã bị đình chỉ.

Tàu hải quân Nga phóng thử tên lửa chống hạm trên biển. Ảnh: AP

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Mỹ đã không nhận được thông báo từ phía Nga "cho thấy sự thay đổi" về hoạt động thông báo hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Ryabkov nói với các phóng viên rằng, trên thực tế, Moscow sẽ tự nguyện tiếp tục thông báo trước cho Mỹ về hoạt động phóng tên lửa.

“Từ quan điểm chính trị và pháp lý, tình hình là tất cả các loại trao đổi thông tin, cùng các yếu tố khác của hoạt động xác minh theo Hiệp ước START, đã bị chúng tôi đình chỉ. Tuy nhiên, như đã thông báo hồi tháng Hai, trên cơ sở tự nguyện, Nga sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận năm 1988 về trao đổi thông báo về các vụ phóng tên lửa", ông Ryabkov nói.

Quan chức Nga nhấn mạnh thêm, Moscow đã nêu rõ quan điểm với Washington cả bằng lời nói lẫn văn bản. “Không có sự mơ hồ nào ở đây”, ông Ryabkov khẳng định. 

Tuy nhiên, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Washington “quan ngại về động thái của Nga, bởi nó liên quan đến Hiệp ước New START”.

Hiệp ước New START có hiệu lực thi hành vào năm 2011, với quy định giới hạn Nga và Mỹ sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai. Hiệp ước yêu cầu hai bên phải thông báo chi tiết số lượng, địa điểm, đặc điểm kỹ thuật của vũ khí hạt nhân cho nhau, và thanh sát hiện trường.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington và Moscow đã trao đổi hơn 25.000 dữ liệu kể từ khi New START có hiệu lực.