Trả lời phỏng vấn của tờ Lenta.ru hôm 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho hay, bằng cách tiếp tục cung cấp những vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine, "Mỹ và các đồng minh NATO đang tạo ra nguy cơ đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga, và điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc". 

Theo ông, kế hoạch cung cấp F-16 cho Kiev là một minh chứng khác về động thái leo thang căng thẳng của phương Tây, và đây là “bước ngoặt cực kỳ nguy hiểm”.

 Nga xem tiêm kích F-16 mà các nước phương Tây dự định gửi tới Ukraine là mối đe dọa hạt nhân. Ảnh: Không quân Mỹ

“Chúng tôi đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp rằng Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của máy bay F-16”, ông Lavrov nói.

Cũng theo ông, trong quá trình chiến đấu, quân đội Nga sẽ không thể biết các tiêm kích F-16 có mang theo vũ khí hạt nhân hay không. 

“Chúng tôi sẽ coi việc lực lượng vũ trang Ukraine có những hệ thống này như là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”, Bộ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm. 

Cũng trong ngày 12/7, trả lời phỏng vấn bên lề thượng đỉnh NATO diễn ra ở thủ đô Vilnius, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Ukraine có khả năng sẽ nhận được các chiến đấu cơ F-16 từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Trước đó, hôm 11/7, Đan Mạch thông báo một liên minh gồm Hà Lan, Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Điển và Anh sẽ bắt đầu huấn luyện cho các phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 vào tháng Tám tới. 

Hồi tháng Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo chắc chắn các tiêm kích F-16 sẽ bị quân đội Nga “ thiêu cháy”, một khi chúng được chuyển đến Ukraine. 

Tình hình “bấp bênh” ở nhà máy Zaporizhzhia    

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine vẫn "rất bấp bênh", do các thanh sát viên báo cáo một loạt vụ nổ xảy ra trong vài ngày qua.    

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, và nằm gần tiền tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong bản cập nhật mới nhất được công bố hôm 12/7, IAEA đã nêu chi tiết hoạt động của các thanh sát viên làm việc tại Zaporizhzhia, cơ sở đang do Nga kiểm soát. Theo đó, nhiều tiếng nổ xảy ra "ở khoảng cách nào đó" vào những thời điểm khác nhau. Song nhà máy Zaporizhzhia được khẳng định không bị ảnh hưởng.

Nhân viên của IAEA cho biết, họ không thấy bất kỳ quả mìn hay chất nổ nào bị cài tại nhà máy Zaporizhzhia. Điều này trái với tuyên bố của Ukraine rằng, Zaporizhzhia đã bị "cài chất nổ". Moscow cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc phá hoại nhà máy Zaporizhzhia mà Kiev đã đưa ra.