Tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua là dấu ấn nổi bật 2015. Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi: Năm nay tăng trưởng gần 6,7%, năm tới có nên nâng chỉ tiêu lên cao hơn 6,7% không?. Đây là một yêu cầu, một sự khích lệ cả nước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Vượt khó và ghi dấu

GDP năm nay tăng cao nhất trong 8 năm qua,  xét trong điều kiện ‘bão táp’ giá dầu, nền kinh tế giới vẫn còn ảm đạm thì Việt Nam như ‘cá bơi ngược dòng’.

Trong đánh giá của ANZ nhấn mạnh, 2015, Việt Nam là “ánh sáng hiếm hoi” trong bức tranh ảm đạm của hầu hết các nền kinh tế mới nổi và là một trong ba nền kinh tế hứa hẹn về tăng trưởng ở châu Á.

“Việt Nam đã có một năm thành công với tăng trưởng, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, lạm phát ở mức thấp, thị trường tiền tệ ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện,các hiệp định thương mại mới được ký kết giúp hàng hóa Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới...  là những thành quả quan trọng từ những nỗ lực điều hành của Thủ tướng và Chính phủ”, báo cáo của ANZ nhấn mạnh.

{keywords}

Theo TS Nguyễn Minh Phong: "Chất lượng tăng trưởng cũng đã cải thiện rõ rệt. So sánh tổng đầu tư trên toàn xã hội với GDP thì năm nay, số vốn đầu tư thấp nhất nhưng lại mang lại GDP cao nhất. Nếu 4 năm trở về trước, con số  này là 33-34% GDP thì năm nay, tổng đầu tư toàn xã hội bằng 32,6% GDP".

Theo ông Phong, lạm phát thấp kỷ lục 14 năm qua là một thành công không thể phủ nhận của Chính phủ, bởi lẽ, tỷ lệ thấp 0,63% không phải do tổng cầu suy yếu, sức mua suy giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm nay vẫn tăng 9,5% so với năm2014. "Do vậy, thay vì coi đó là mối lo thì cần nhìn nhận đó là sự thành công", ông Phong nhấn mạnh.

Điểm thứ 4 đáng ghi nhận là môi trường đầu tư kinh doanh đã có bước đột phá nhất,khi cùng lúc, Việt Nam tiến 3 bậc về cải thiện môi trường kinh doanh theo xếp hạng của WB và tăng 12 bậc năng lực cạnh tranh, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đặc biệt, chỉ số sáng tạo của nền kinh tế tăng 19 bậc.

Theo TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương:"Chưa bao giờ, nền kinh tế lại có một điều kiện phát triển lý tưởng như vậy!"

"Thậm chí, khi hầu hết các nước, tăng trưởng cao thì lạm phát cũng sẽ ở mức cao nhất định. Nhưng ở năm nay đối với Việt Nam thì ngược lại.", ông Phương nói.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm dẫn số liệu về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho biết: "Hệ số ICOR giai đoạn 5 năm qua tuy còn ở mức khá cao (6,91) nhưng đã có xu hướng giảm nhẹ so với giai đoạn 5 năm trước. Giai đoạn 2006-2010, ICOR ở mức 6,96. Xu hướng giảm ICOR cũng cho thấy có một phần tác động từ chủ trương về tái cơ cấu đầu tư, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí".

"Đặc biệt, đó cũng là kết quả của việc quyết liệt thựchiện cải cách về thể chế kinh tế của Chính phủ đã đạo điều kiện cho các ngành,loại hình kinh tế phát triển như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, giảm các thủ tục hành chính về thuế, hải quan", ông Lâm khẳng định.

Tinh thần điều hành linh hoạt,cải cách quyết liệt của Chính phủ có thể cảm nhân, trong phiên họp Chính phủ tháng 9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: các ngành, các cấp tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 19.

“Không được thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, phải quyết liệt hơn nữa với các việc làm cụ thể, không chỉ trên giấy tờ mà trên cả thực tiễn, như ngành Tài chính tập trung hơn nữa vào lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm; ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung vào lĩnh vực đất đai… Tôi nhắc lại đây hoàn toàn là những việc nằm trong tầm tay, không có gì xa  vời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phục hồi vững chắc

Nếu như trước đây, mỗi khi GDP tăng cao, khá nhiều ý kiến lo ngại về sự không vững chắc và các rủi ro bất ổn vĩ mô đi kèm. Tuy nhiên, nămnay, niềm tin vào sự phục hồi trở lại của nền kinh tế đã được củng cố mạnh mẽ hơn.

Nếu nhìn từ năm 2011 đến nay, GDP của Việt Nam đã nhích dần đều. Năm 2011, GDP đạt 6,24%, năm 2012 đạt 5,25%, năm 2013 đạt 5,42% và năm 2014 đạt 5,98%. Điều này cho thấy, nền kinh tế đã và đang dần lấy lại đà tăng trưởng và tương lai gần, quay trở lại con số 7 hay thậm chí 7,5%trung bình ở giai đoạn trước là hoàn toàn khả thi.  

Với bức tranh "lạm phát thấp nhất, tăng trưởng cao nhất", nền kinh tế Việt Nam không còn rơi vào bài toán khó phải lựa chọnvà đánh đổi giữa hai chỉ số này. Trong đó, môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế thị trường được nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nói đến như một ’tấm áo’ bảo hộ cho sự bền vững trên.

Ông Lâm nhấn mạnh: "Tăng trưởng kinh tế năm nay đã phản ánh thực tế nội tại của nền kinh tế và có thể coi, đó kết quả tổng hoà của chất lượng điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ và sự cố gắng vươn lên của cộng đồng DN trên mọi lĩnh vực".

Ông Lâm cho rằng, các chính sách kinh tế năm 2015 đã được đưa ra trên cơ sở Chính phủ đã rút kinh nghiệm trong quản lý điều hành vĩ mô giai đoạn tăng trưởng nóng 2006-2010.

Có thể thấy nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện linh hoạt và kịp thời thực hiện các biện pháp hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích đầu tư, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ...tạo điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.  Đồng thời, giảm, giãn, miễn thuế, mở rộng thị trường nội địa...  Bên cạnh đó là nỗ lực kích cầu đầu tư, tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...

{keywords}

"Kết quả năm nay cũng là thành quả của một giai đoạn 5 năm tái cơ cấu nền kinh tế và nó sẽ là cơ sở hồi phục kinh tế vững chắc cho giai đoạn 5 năm tiếp theo",ông Lâm cho hay.

Ông Lê Quốc Phương cho rằng, nền kinh tế hiện nay vẫn cần phải giải quyết nhiều vấn đề lớn như nhập siêu đã trở lại, lãi suất vẫn còn cao so với lạm phát... Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể và với các quyết sách dài hạn của Chính phủ thì mục tiêu kinh tế Việt Nam phục hồi là có thể đạt được. Và chắc chắn, GDP năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá: “Có thể nói năm 2014- 2015 là những năm có tính chất quan trọng, khởi động cho giai đoạn đột phá mới về thể chế”. Theo ông Lộc, hai động lực về cải cách thể chế và mở cửa thị trường là hai động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Phạm Huyền