Biển Đông là trục giao thương lớn với 1/3 sản lượng dầu thô của toàn thế giới được chuyển giao qua lại, trong đó TQ sẽ ‘khát’ nhất. 

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết tiếp theo trong loạt bài của nhà báo Hoàng Hường, thành viên trong đoàn nhà báo 14 nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines và Singapore về vấn đề Biển Đông. 

>> Việt Nam giữa ‘trận cờ vây’ của Trung- Nhật- Mỹ

Dòng nước của những kẻ khát 

Biển Đông là trục giao thương chính của các hoạt động thương mại dầu lửa. 1/3 sản lượng dầu thô của toàn thế giới được chuyển giao qua vùng biển này. Cùng nhiều lý do khác như tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền; vấn đề quan hệ giữa các nước trong khu vực, thì lợi ích thương mại dầu lửa là một trong những lý do khiến khu vực Biển Đông trở nên đặc biệt quan trọng”, nhà kinh tế học Alexander Metelitsa, thuộc Viện quản trị Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) chia sẻ trong cuộc làm việc qua Video Conference với các nhà báo đến từ các nước trong khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương.

{keywords}
Con đường dầu lửa Biển Đông: 1/3 sản lượng dầu thô của thế giới đi qua eo biển Malacca rồi được vận chuyển trên Biển Đông đến các nước nhập khẩu. Ảnh: EIA

Theo học giả này, sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Châu Á, đặc biệt sự phát triển ồ ạt gần đâycủa Trung Quốc đã khiến cho nhu cầu năng lượng ở khu vực này tăng vọt trong mấy thập kỷ gần đây. 

>> Xem lại các bài viết trong chương trình được thực hiện tại Hawaii (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc), Manila, Masinloc (Philippines)

Trực tiếp nghe phát ngôn ‘gây choáng’ của BNG Trung Quốc

Chứng kiến màn ‘hỏi xoáy đáp xoay’ với Bộ Ngoại giao TQ

‘TQ tăng cường quân sự không nguy hại ai’?

“TQ là mối đe dọa, Mỹ không thể đứng ngoài”

‘Bằng chứng lịch sử’ của TQ vô giá trị với luật quốc tế

Riêng Ấn Độ, TQ và vài quốc gia Châu Á đang tăng trưởng khác được dự đoán từ giờ tới năm 2040 sẽ chiếm đến 70% sản lượng sử dụng dầu lửa toàn cầu. 

Nhu cầu dầu lửa của các quốc gia Châu Á đều tăng từ 3.9% đến 10% tới thời điểm 2035. Trong đó Trung Quốc là quốc gia “khát” nhất, nhu cầu sử dụng dầu lửa của nước này sẽ tăng 43%.

Có thể nói, các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương không chỉ tranh chấp các quần đảo, mà còn tranh chấp con đường dầu lửa chiếm 1/3 sản lượng thế giới.

Qua eo biển Malacca, con đường ngắn nhất để dầu thô được chuyển từ Châu Phi, Trung Đông và Australia tới các khách hàng Châu Á là đi qua khu vực Biển Đông. 

Hiện nay đích đến của ‘con đường dầu thô’ này chủ yếu là Trung Quốc (43%), Nhật Bản (3.4%), Hàn Quốc (1.4%), Đài Loan (0.6%) và Hồng Kông (0.6%).

Ngoài ra, hơn một nửa sản lượng (75%) giao dịch khí đốt toàn cầu cũng được vận chuyển trên con đường này. Từ Malaysia, Indonesia, Australia và Qatar, khí đốt được xuất khẩu tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và vài quốc gia Châu Á khác và than đá cũng được xuất khẩu từ Australia và Indonesia tới Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ qua Biển Đông.

Bên cạnh đó, những năm gần đây Mỹ đã tăng cường sản lượng khai thác dầu nội địa, thay vì nhập khẩu từ Châu Phi như trước đây.Hiện nay Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lửa từ Châu Phi nhiều nhất thế giới.Việc này có nghĩa dòng dầu Châu Phi thời gian tới sẽ đổi hướng tới Châu Á qua kênh vận chuyển Biển Đông, sẽ làm con đường thương mại này vốn đã bận rộn, sẽ càng trở nên quan trọng.

Việc Trung Quốc đưa ‘đường chín đoạn’ ra đe doạ kiểm soát khu vực Biển Đông, không chỉ các quốc gia có chủ quyền biển trong khu vực bị ảnh hưởng, mà các quốc gia có quyền lợi thương mại trong ‘con đường dầu lửa’ cũng bị đe doạ hoạt động giao thương trực tiếp; gián tiếp là các nền kinh tế khác như Mỹ và Châu Âu.

{keywords}
Thương mại hàng hải Biển Đông chiếm 1/3 sản lượng dầu thô thế giới. Ảnh: Bluebird

Toan tính trên bàn đàm phán

Ngoài vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại, kinh tế; vùng Biển Đông còn đặc biệt phức tạp vì các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, bao gồm cả những yếu tố lợi ích, chính trị, văn hoá, lịch sử và tôn giáo. Đặc biệt hai nước Việt Nam – Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất ở Biển Đông vì vị trí địa lý bị tác động lớn nhất, và vì mối quan hệ và lịch sử của hai nước; cũng như những cam kết và sự phát triển hiện tại.

Nhìn rộng ra, các nước trong khu vực Biển Đông đều có những đường lối phát triển và nền tảng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Sự khác nhau này thậm chí có từ sau Thế chiến Thứ Hai, một vài nước trong khu vực bị người Anh chiếm đóng, nước bị Mỹ xâm lược (Việt Nam); sau đó hình thành những hệ ý thức chính trị khác nhau. Việt Nam thành nước XHCN, Đài Loan, Nhật Bản và Phillipines thành đồng minh của Mỹ ở Châu Á; trong khi Indonesia, Brunei và Malaysia là những nước Hồi giáo đặc thù, có cách thức ứng xử và vận hành riêng.

Những yếu tố kể trên chắc chắn có những tác động nhất định đến việc các nước cùng ngồi lại tìm cách giải quyết những vấn đề căng thẳng; và trên hết; tất cả các nước này, chính xác là một phần lớn của thế giới, đều chịu ảnh hưởng của Trung Quốc ở vài hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt hợp tác kinh tế.Thái Lan là một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của Trung Quốc đến đường lối chính sách và sự phát triển.

Trước một nước lớn như Trung Quốc, vấn đề Biển Đông thường được đặt nhiều lên bàn thảo luận của khối ASEAN, trong đó Thái Lan được coi là một trong những nền kinh tế mạnh trong khối. Cả vị trí địa lý và tiềm lực, Thái Lan được coi là một trong những nước trọng tâm của ASEAN. Tuy nhiên, Thái Lan cũng không tránh khỏi xu hướng chung là bị tác động mạnh từ Trung Quốc.

Thái Lan và Trung Quốc thành lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976. Sau khi Thái Lan ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2001, hợp tác thương mại của hai nước này tăng vọt. Ngay trong năm 2001, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan, và đến năm 2014 đã trở thành đối tác lớn nhất, chiếm 14% các hoạt động thương mại của Thái.

Kinh tế chủ yếu của Thái Lan là sản phẩm nông nghiệp, và thị trường xuất khẩu này chủ yếu là Trung  Quốc. 

Thái Lan trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc trong phát triển kinh tế - thương mại; và quan hệ ngoại giao – chính trị giữa hai nước này thay đổi rất nhiều kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền. Tướng Prayuth Chan-Ocha ban bố tình trạng thiết quân luật, và các hành động quân sự. Phản ứng lại điều này, Mỹ ngừng hợp tác quân sự với Thái, cộng đồng Châu Âu đình chỉ đối thoại đàm phán FTA ‘Free Trade Area – Khu vực Tự do Thương mại).

Trong tình trạng này, Trung Quốc gần như là lựa chọn duy nhất của Thái Lan. Do đó, trông đợi sự ủng hộ từ Thái Lan - với tư cách một thành viên ASEAN - về vấn đề Biển Đông trở nên nhạy cảm và ít hy vọng.

Mỹ đã để mất Thái Lan về phía Trung Quốc”, Giáo sư Carl J. Shapiro, khoa Tài chính Quốc tế, thuộc trường Đại học Brandeis, Hoa Kỳ nhận định. Theo ông Carl, ảnh hưởng của Mỹ tới Thái Lan về cả kinh tế và chính trị đã bị Trung Quốc thay thế. Do đó, vai trò ‘cân bằng’ sức mạnh ở vùng Châu Á và đặc biệt vùng Biển Đông của Mỹ, dường như đang ngày càng bị thách thức.

Và, căng thẳng Biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển, mà là lợi ích và quan hệ của từng nước cụ thể với Trung Quốc.Trong đó, không thể không thừa nhận rằng, những lợi ích này có tác động đáng kể đến thái độ của từng nước trong vấn đề Biển Đông - vì thế - càng trở nên phức tạp.

 Hoàng Hường

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.