Theo tờ Financial Times (FT), đây là thông tin được một số quan chức cấp cao phương Tây tiết lộ. Họ khẳng định phương Tây không thể tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev "mãi mãi".
Cũng theo FT, Mỹ đang trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử, và cần chứng minh hoạt động hỗ trợ quân sự quy mô lớn của Washington và các đồng minh cho Ukraine không phải là vô ích.
“Điều quan trọng đối với Mỹ là chứng minh tất cả các gói viện trợ cho Ukraine đều thành công”, một quan chức châu Âu nói.
Thực tế, sự ủng hộ của dư luận Mỹ dành cho Ukraine đang giảm dần, và chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải chứng minh được số tiền hàng chục tỷ USD đã hỗ trợ Kiev tạo ra được sự khác biệt lớn trên chiến tuyến.
Các nguồn tin nói thêm với FT rằng, Mỹ tin 5 tháng tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
“Nếu vào tháng Chín, Ukraine không giành được thành tựu đáng kể, áp lực đối với các nước phương Tây để đưa Kiev ngồi vào bàn đàm phán sẽ rất lớn”, một nguồn tin giấu tên nói với FT.
Các nguồn tin cảnh báo sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine cũng sắp đạt đến giới hạn.
“Mỹ sẽ không còn ngân sách để viện trợ cho Ukraine, trong khi các nhà máy sản xuất vũ khí của châu Âu cũng đang hoạt động hết công suất”, một quan chức châu Âu nói.
EU muốn có thêm 3,8 tỷ USD viện trợ cho Ukraine
Người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell được cho là đã yêu cầu thêm 3,5 tỷ Euro (3,8 tỷ USD) để củng cố quỹ dùng nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ông Borrell trước đây từng cảnh báo các lực lượng của Kiev sẽ sụp đổ chỉ “trong vài ngày”, nếu như không có sự hỗ trợ tiếp tục từ phương Tây.
Các nguồn tin ngoại giao nói với hãng tin Reuters hôm 18/5 rằng, ông Borrell đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU chuyển thêm tiền vào Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để tiếp tục viện trợ cho Ukraine vì quỹ này sắp cạn tiền.
Thông tin này được công bố giữa lúc Kiev dự định sẽ phát động một cuộc phản công quy mô lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine.
EPF được thành lập vào năm 2021 giúp cung cấp thiết bị quân sự cho các quốc gia đang phát triển, nhưng quỹ này lại tập trung hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. EU đã chi 8 tỷ Euro (8,6 tỷ USD) cho EPF.
EPF hoạt động tách biệt với ngân sách của EU, do 27 thành viên của khối bị cấm tài trợ trực tiếp cho các hoạt động quân sự. Ban đầu, EPF được phân bổ 5 tỷ Euro (5,4 tỷ USD) và dự định hoạt động đến năm 2027. Nhưng khoản tiền này nhanh chóng cạn kiệt sau nhiều lần vận chuyển vũ khí cho Ukraine trong suốt năm qua, buộc EU phải thông qua một đợt tăng chi tiêu lớn khác vào tháng 12/2022.