Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter tấn công miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria hôm 6/2 đã san phẳng hàng nghìn tòa nhà và công trình xây dựng, xé toạc các khu dân cư và chôn vùi vô số nạn nhân dưới đống đổ nát. Cho đến nay, cơn địa chấn dữ dội này cùng hàng chục dư chấn xuất hiện vài giờ sau đó, đặc biệt là một dư chấn mạnh 7,5 độ Richter, đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người và khiến hơn 15.000 người khác bị thương.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mô tả đây là “thảm họa khủng khiếp nhất trong một thế kỷ" càn quét nước này. Các quan chức dự đoán, số trường hợp thương vong vì sự cố chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria.

Phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng Anatolia, một mảng kiến tạo nhỏ bị o ép giữa 4 mảng kiến tạo khác. Đồ họa: The Economist

Theo tạp chí The Economist, động đất gây ra bởi sự chuyển động của các mảng kiến tạo của lớp vỏ Trái đất. Mỗi mảng kiến tạo sở hữu kích cỡ khác nhau. Chúng di chuyển chậm và đôi khi mắc kẹt vào nhau ở các đứt gãy địa chất, tạo ra lực căng tích tụ. Khi tình trạng đó phát triển quá mức, các mảng kiến tạo có thể đột ngột trượt ngang qua nhau, gây ra loại động đất như vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ là một “điểm nóng” về động đất. Phần lớn đất nước nằm trên mảng Anatolia, một mảng kiến tạo nhỏ bị o ép giữa 4 mảng kiến tạo khác, trong đó có mảng Ảrập ở phía đông nam, đang tiến về phía tây bắc và mảng Á - Âu lớn hơn nhiều ở phía bắc, đang di chuyển về phía đông nam. Động đất xuất hiện phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hầu hết các vụ xảy ra dọc theo đứt gãy Bắc Anatolian, ranh giới với mảng Á – Âu chạy gần Istanbul.

Các chuyên gia cho biết, độ lớn của cơn địa chấn là một trong những nguyên nhân khiến thảm họa động đất mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có sức tàn phá lớn đến như vậy. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thống kê, trung bình trên thế giới mỗi năm chỉ xảy ra khoảng 15 trận động đất mạnh hơn 7 độ Richter. Ngoài ra, do cơn địa chấn ban đầu khởi phát ở vị trí nông, chỉ sâu 18km so với bề mặt Trái đất nên ảnh hưởng lên bề mặt bị khuếch đại.

Một tòa nhà tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ sập sau thảm họa động đất ngày 6/2. Ảnh: Reuters

Các yếu tố ở trên bề mặt càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Cơn địa chấn mạnh đầu tiên xảy đến vào ban đêm, khi đa phần mọi người đang ngủ trong nhà, khiến họ ít có cơ hội chạy thoát thân. Thêm vào đó, cái rét buốt của mùa đông đang đe dọa sự sống của những nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Trong khi ở Syria, đất nước bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh, chính quyền có thể gặp khó khăn trong việc tổ chức một phản ứng hiệu quả.

Một nguyên nhân nữa là, mặc dù các nhà khí tượng học có thể dự đoán được những thảm họa như bão hoặc lũ lụt, nhưng các nhà địa chấn học vẫn chưa thể làm được điều tương tự với động đất, dù đây là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực. Hầu hết những gì họ có thể cung cấp là các thiết bị phát hiện sóng áp suất di chuyển nhanh từ một trận động đất đến ngay trước khi xuất hiện các sóng biến dạng làm chấn động mặt đất. Đáng chú ý, hệ thống này chỉ giúp đưa ra cảnh báo trước tối đa khoảng 1 phút và rất tốn kém để duy trì.

Hiện tại, điều tốt nhất có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. Các quốc gia hay xảy ra động đất, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, thường yêu cầu các tòa nhà phải được xây dựng để chống lại lực tác động của các trận động đất. Tuy nhiên, nhiều công trình được xây dựng trước khi các quy định như vậy được ban hành. Lợi nhuận cùng nạn tham nhũng cũng đồng nghĩa các nhà thầu xây dựng đôi khi cố tình phớt lờ những quy định như vậy.

Hơn thế nữa, công tác chuẩn bị ứng phó càng bị cản trở vì ngay cả ở những điểm nóng động đất cũng rất hiếm khi phải chứng kiến các cơn địa chấn có sức tàn phá thực sự. Đứt gãy Đông Anatolian đã không ghi nhận trận động đất nào có quy mô dữ dội như vừa qua, kể từ khi các hệ thống giám sát hiện đại ra đời hơn một thế kỷ trước.