“Các nước trong khu vực bao gồm VN sẽ được hưởng lợi, vì họ sẽ có nhiều nguồn lực và lựa chọn hơn để tiếp cận, đồng thời họ cũng giảm được nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc duy nhất”

LTS: Trong khuôn khổ chuyến làm việc của các nhà báo từ 14 nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương đến làm việc tại 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Philippines và Singapore về vấn đề Biển Đông. Phóng viên VietNamNet Hoàng Hường trò chuyện với hai nhà nghiên cứu chuyên ngành Quan hệ Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore: TS Malcolm Cook (Canada) và TS Lê Hồng Hiệp (Việt Nam) về vấn đề Biển Đông, khu vực và tác động với VN.

Trung – Mỹ sẽ tiếp tục trò “mèo vờn chuột”

Quan điểm được CP Việt Nam nhấn mạnh nhiều lần “không dựa vào nước nào để chống nước thứ ba” trong vấn đề ngoại giao và tranh chấp Biển Đông. Với những gì đang diễn biến, chính sách này có những điểm nhấn đáng chú ý nào trong sự phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam?

TS Malcolm Cook: Tôi không nghĩ rằng VN sẽ thay đổi chính sách ngoại giao với Trung Quốc và với vấn đề Biển Đông. Những căng thẳng này không mới, và VN cũng đã không thay đổi chính sách sau những tình huống đã xảy ra. Tranh chấp Biển Đông với TQ là thách thức lớn nhất mà VN phải đối mặt.

TS Lê Hồng Hiệp: Nguyên tắc “ba không” của VN có ưu điểm nhưng cũng có hạn chế. 

>> Xem lại các bài viết trong chương trình được thực hiện tại Hawaii (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc), Manila, Masinloc (Philippines)

Trực tiếp nghe phát ngôn ‘gây choáng’ của BNG Trung Quốc

Chứng kiến màn ‘hỏi xoáy đáp xoay’ với Bộ Ngoại giao TQ

‘TQ tăng cường quân sự không nguy hại ai’?

“TQ là mối đe dọa, Mỹ không thể đứng ngoài”

‘Bằng chứng lịch sử’ của TQ vô giá trị với luật quốc tế

Một mặt nguyên tắc này giúp VN giữ được sự độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. 

Mặt khác, trong bối cảnh TQ tăng cường đẩy mạnh yêu sách của mình trên Biển Đông, bao gồm cả các biện pháp cưỡng bức, thì nếu trung thành tuyệt đối với nguyên tắc này sẽ khiến VN gặp khó khăn, không tận dụng được các nguồn lực và sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Vì vậy, trong khi vẫn duy trì chính sách “ba không”, VN cần đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác quân sự và an ninh với các đối tác chủ chốt. 

Hiện tại VN đang đi theo hướng này, và tôi cho rằng đó là một lựa chọn đúng đắn và khả thi, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực đang gia tăng gần đây.

Báo chí đang liên tiếp cập nhật tình hình Biển Đông và trò “mèo vờn chuột” của Mỹ và TQ với những tiêu đề kiểu “nguy cơ đối đầu” hay “Mỹ đang trên bờ Thế chiến 3 với TQ”, nhận định của ông?

TS Malcolm Cook: Tôi nghĩ một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông khó xảy ra, nhưng căng thẳng tăng lên. Một phần vì cam kết đồng minh của Mỹ không có điều khoản bênh vực các tuyên bố chủ quyền của các nước đồng minh, phần khác là TQ không muốn một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ.

Nguy cơ chỉ thực sự tăng khi các hoạt động xây dựng lớn của TQ trở thành hoạt động quân sự và làm ảnh hưởng đến tự do hoạt động hàng hải và hải quân của Mỹ trên Biển Đông. Người Mỹ sẽ không chấp nhận điều này.

TS Lê Hồng Hiệp: Cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Các tình thế “mèo vờn chuột” hay sự đối đầu sẽ gia tăng và thường xuyên hơn. 

Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng hai bên đang tiến đến bờ vực của một cuộc Thế chiến Thứ ba. Thay vào đó, nhiều khả năng họ sẽ lâm vào một tình thế chiến lược kiểu Chiến tranh Lạnh. Theo đó hai bên sẽ cạnh tranh với nhau gay gắt về mặt chiến lược, tranh giành ảnh hưởng khu  vực, chạy đua vũ trang, cố gắng kiềm chế và làm suy yếu lẫn nhau, nhưng sẽ không tiến hành các cuộc xung đột trực tiếp.

Khả năng hai bên tiến hành các cuộc xung đột qua tay người khác cũng không lớn như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đáng kể cũng là một tấm đệm làm hãm phanh các ý định hiếu chiến từ tất cả các bên.

Trong bối cảnh đó, VN tốt nhất là vẫn duy trì vị thế hiện tại, nhưng tùy theo diễn biến, đặc biệt là trong các hành động của TQ, để điều chỉnh từng bước vị thế chiến lược của mình sao cho phù hợp với lợi ích quốc gia.

{keywords}
TS Lê Hồng Hiệp. Ảnh: Hoàng Hường

Ông suy nghĩ thế nào về chiến lược "tái cân bằng quyền lực" tại châu Á - Thái Bình Dương? Qua việc đảo Scarborough của Philippines, thì thấy người Mỹ sẵn sàng can thiệp ở mức độ nào vào vấn đề Biển Đông?

TS Malcolm Cook:Tôi nghĩ ‘tái cân bằng’ và xoay trục là cụm từ không chuẩn xác khi nói về những gì Mỹ đang làm ở Biển Đông và khu vực. Nhưng chính xác là Mỹ đóng vai trò rất lớn trong việc ổn định an ninh vùng Biển Đông kể từ Thế chiến Thứ hai, và là đối tác thương mại quan trọng của khu vực này.

Mỹ sẽ không thay đổi mục tiêu của họ. Vai trò của Mỹ trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không trực tiếp. Trường hợp Scarborough không có trong cam kết đồng minh giữa Mỹ - Philippines và Philippines tranh chấp chủ quyền Scarborough rất lâu sau khi hợp tác quốc phòng được ký.

TS Lê Hồng Hiệp: Sau một thời gian chần chừ thì gần đây có biểu hiện cho thấy Mỹ đang quyết tâm triển khai mạnh mẽ hơn chính sách tái cân bằng sang khu vực Đông Á. Việc Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông là một ví dụ.

Tuy nhiên Mỹ là một cường quốc toàn cầu, họ có lợi ích và mối bận tâm ở nhiều khu vực trên thế giới, và khu vực Biển Đông chỉ là một trong số đó. Mỹ sẽ không nhanh chóng tập trung mọi nguồn lực và quyết tâm chính trị cho việc can dự vào tình hình Biển Đông.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng sự can dự của Mỹ sẽ ngày càng gia tăng, nhưng gia tăng đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ đe dọa mà các hành động của TQ ở Biển Đông. Nếu TQ gây xung đột quân sự với các bên tranh chấp thì chắc chắn phản ứng của Mỹ sẽ quyết liệt hơn, ít nhất là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như áp dụng với Nga hiện nay.

Tuy nhiên nhiều khả năng là TQ sẽ chỉ tiếp tục áp dụng chiến thuật “cắt lát salami” như lâu nay, thúc đẩy các yêu sách của mình nhưng không đến mức đủ gây ra xung đột. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ chỉ áp dụng các biện pháp nhằm thách thức các yêu sách của TQ.

{keywords}
TS Malcolm Cook (áo hồng bên trái). Ảnh: Hoàng Hường

Trung – Nhật sẽ ra sức cạnh tranh ảnh hưởng

Tôi có cảm giác ASEAN đang ‘chia năm xẻ bảy’ vì lợi ích và mối quan tâm riêng với TQ. Có thế nói ảnh hưởng của TQ tới nhiều nước trong khu vực quá lớn. Liệu ASEAN có giữ được sự độc lập và lập trường về Biển Đông?

TS Malcolm Cook: Tôi nghĩ ngay cả những nước tuyên bố chủ quyền trong ASEAN cũng có những quan tâm khác nhau. Việt Nam và Philippines đứng ở tuyến đầu trong tranh chấp chủ quyền với TQ, trong khi Malaysia và Brunei không thể hiện gì, dù yêu sách của TQ lấn cả vào lãnh hải của Malaysia. Do đó nếu các nước thành viên ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông có chia rẽ trong việc giao thiệp với TQ, cũng sẽ có bất đồng trong một số vấn đề.

TS Lê Hồng Hiệp: Đúng là ASEAN đang ít nhiều bị chia rẽ trong cách ứng xử với Trung Quốc. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt rạch ròi hai địa hạt là kinh tế và chính trị.

Trong địa hạt kinh tế, đa số các nước trong khu vực đều phụ thuộc vào TQ, và muốn có quan hệ tốt để tận dụng các cơ hội mà TQ có thể mang lại. Tuy nhiên về mặt chiến lược thì đa số các nước đều e ngại trước sự trỗi dậy và sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Một ví dụ là Malaysia: Trong những năm trước, Malaysia được nhìn nhận là “thân TQ”. Tuy nhiên gần đây thái độ của họ với TQ đã thay đổi. Ví dụ điển hình là vào ngày 25/5 vừa rồi Malaysia đã ký một tuyên bố thành lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh rất nhiều vào hợp tác quốc phòng. Nhiều nhà quan sát cho rằng động lực đằng sau quyết định này chính là mối e ngại chung đối với TQ.

Nếu xét về cán cân ảnh hưởng, thì về mặt kinh tế đa số các nước trong khu vực nghiêng về TQ; nhưng về mặt chiến lược, thì đa số các nước đang nghiêng về phía Mỹ, hoặc ít nhất là đang thoát ra khỏi quỹ đạo của TQ, trừ một vài trường hợp cá biệt, ngay cả các trường hợp này nhiều khả năng cũng chỉ là tạm thời.

Trong bối cảnh đó ASEAN vẫn có vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đối phó với sự trỗi dậy của TQ. Mặc dù trong vấn đề Biển Đông vai trò của ASEAN có thể không được như nhiều nước mong muốn, nhưng rõ ràng vai trò đó vẫn là không thể phủ nhận.

Nói cách khác, ASEAN chỉ là một phần giải pháp của những nước như VN trong vấn đề Biển Đông. Phần còn lại nằm ở những nơi khác, trong đó có vấn đề nội lực và quan hệ song phương với các đối tác chủ chốt.

Nhật Bản mới công bố kế hoạch tài trợ 110 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng Châu Á, ngay khi Trung Quốc có kế hoạch sang năm tới sẽ đổ 100 tỉ USD cho ngân hàng AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank/ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á) của họ. Thái độ và kế hoạch này của Nhật được hiểu như thế nào?

TS Malcolm Cook: Đây là thời điểm rất tốt để các quốc gia Đông Nam Á cùng hai cường quốc Nhật và TQ cạnh tranh ảnh hưởng và đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng ở Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á nên nhận tiền của cả Nhật và Trung Quốc.

TS Lê Hồng Hiệp: Hiện nay là một giai đoạn đặc biệt trong khu vực Đông Á khi cả TQ và Nhật Bản đều hùng mạnh. Trước đây, hoặc TQ, hoặc Nhật hùng mạnh mà thôi. Tình thế này khiến cho sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa TQ và Nhật trở nên dễ hiểu. Kế hoạch của Nhật cho thấy Nhật sẽ thách thức tham vọng của TQ trong việc dùng AIIB để gạt ra lề ADB, một thể chế vốn do Nhật chi phối.

Cam kết của Nhật nằm trong một phản ứng rộng lớn hơn, bao gồm cả khía cạnh chính trị và quân sự, để từng bước cởi trói cho Nhật, giúp Nhật có vai trò lớn hơn, đồng thời có được vị thế tốt hơn nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của TQ, nhất là khi sự trỗi dậy đó đang đe dọa lật đổ một trật tự khu vực mà lâu nay Nhật đang được hưởng lợi.

Liệu có xảy ra một “cuộc chiến” kinh tế giữa Nhật -Trung để tranh giành ảnh hưởng? Tình huống này sẽ tác động thế nào đến kinh tế VN?

TS Malcolm Cook: Tôi nghĩ Trung – Nhật sẽ cùng tác động trên lĩnh vực kinh tế để tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

TS Lê Hồng Hiệp: Vai trò của Nhật nhìn chung là điều đáng hoan nghênh vì Nhật cung cấp thêm một nguồn lực khác để cân bằng lại sự trỗi dậy của TQ.

Đối với Việt Nam, Nhật có vai trò quan trọng. Tôi có thể nói Nhật là đối tác quan trọng nhất đối với VN hiện nay, bởi Nhật có thực lực, có ý chí muốn giúp đỡ các nước trong khu vực đối phó áp lực từ sự trỗi dậy của TQ. Quan hệ Việt – Nhật cũng có nền tảng kinh tế vững chắc. Đặc biệt Nhật là một nước trong khu vực nên bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự trỗi dậy của TQ. Vì vậy sự chia sẻ về lợi ích chiến lược của Nhật với những nước như VN là rất lớn và vững chắc. Một cường quốc ở xa có thể sao nhãng trong can dự với khu vực, nhưng đối với Nhật thì điều đó rất khó xảy ra, vì nó liên quan tới lợi ích mang tính sống còn của Nhật.

Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế giữa Nhật và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, nhất là nếu chương trình cải cách kinh tế Abenomics của Nhật thành công.

Nếu vậy, các nước trong khu vực bao gồm VN sẽ được hưởng lợi, vì họ sẽ có nhiều nguồn lực và lựa chọn hơn để tiếp cận, đồng thời họ cũng giảm được nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc duy nhất.

Hoàng Hường

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.