Năm 2018 ghi dấu ấn không thể quên đối với nhiều đại gia Việt. Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng dồn dập mở rộng, nữ tỷ phú Phương Thảo nổi bật, trong khi đại gia Thaco Trần Bá Dương và Trần Đình Long vào top tỷ phú USD thế giới.

Tỷ phú USD mới của Việt Nam: Nắm giữ mỏ quặng quý hiếm hàng đầu thế giới

Tỷ phú số 1 Phạm Nhật Vượng liên tục mở rộng

2018 đánh dấu một năm bước ngoặt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tập đoàn Vingroup của ông Vượng dồn dập sản xuất công nghiệp và ồ ạt dồn tiền sang lĩnh vực công nghệ, thay vì chỉ tập trung vào vào dịch vụ và bất động sản.

Trong tháng 12/2018, tỷ phú Vượng đẩy mạnh xây dựng cứ điểm mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart và thiết bị công nghệ cao trị giá 1.200 tỷ (dự kiến đi vào hoạt động quý 2/2019).

Theo chiến lược mới, trong vòng 10 năm, Vingroup sẽ chuyển đổi trở thành doanh nghiệp với công nghệ là mũi nhọn, mảng kinh doanh dịch vụ sẽ không còn là phần quan trọng nhất. Nếu Vsmart tập trung vào sản xuất các thiết bị điện tử thông minh thì Vintech sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, nguyên liệu thế hệ mới.

Trong năm 2018, ông Vượng đã gặp gỡ với 100 chuyên gia từ nước ngoài về, bàn về hợp tác làm việc, khởi đầu hành động tốt nhất cho những sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnamese.

{keywords}
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 1 năm 2018 bùng nổ.

Vingroup đã ký kết với 50 trường đại học của Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực và mở trung tâm công nghệ cao, đồng thời lập quỹ tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ cao.

Trong năm 2018, ông Vượng đã có cú ra mắt rầm rộ thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam: VinFast ở Paris Motor Show 2018 hồi tháng 10 và lộ diện là đơn vị nắm quyền tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) tại Việt Nam. 

Đại gia số một Việt Nam đang mở rộng hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, từ mảng sinh lời cho tới phi lợi nhuận. Doanh nghiệp của ông Vượng tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án và thương vụ lớn trong nước, từ ra mắt thương hiệu xe máy điện mới tinh Klara, mở rộng mạng lưới bán lẻ VinMart, thương mại điện tử Adayroi, cho đến thâu tóm và nắm quyền kiểm soát chuỗi bán lẻ điện thoại lâu đời tại Việt Nam Viễn Thông A để cùng với hệ thống VinPro có sẵn để củng cố vị thế trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy.

Năm 2018, ông Vượng cũng đã tách mảng bất động sản thành thương hiệu Vinhomes (VHM) và đưa hàng tỷ cổ phiếu VHM lên sàn. Vinhomes trở thành DN địa ốc số 1 Việt Nam với tổng vốn hóa có lúc ước tính lên tới gần 15 tỷ USD.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: số 1 Đông Nam Á, top 50 thế giới

Giữa tháng 12, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách The Bloomberg 50 - 50 nhà lãnh đạo và doanh nhân tiêu biểu toàn cầu của năm 2018, sánh ngang những nhân vật nổi tiếng như: ông Jerome Powell (Chủ tịch Fed), bà Amy Hood (Giám đốc tài chính của Microsoft), bà Leanne Caret (chủ tịch kiêm CEO phụ trách quốc phòng, hàng không và an ninh Tập đoàn Boeing),...

Bà Thảo hiện là chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico Holdings, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Vietjet, đồng thời, là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực Ngân hàng HDBank. 

{keywords}
Nữ tỷ phú USD số 1 Đông Nam Á Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet.

Cũng trong năm nay, Tạp chí danh tiếng Forbes xếp bà Thảo ở vị trí 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới (tăng 11 bậc so với năm 2017), bên cạnh những người nổi tiếng như: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde,...

Trong năm 2017 và 2018, bà Thảo lần lượt đưa Vietjet và HDBank lên niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và đây đều là các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD. Bà hiện người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trần Bá Dương, Trần Đình Long: 2 tỷ phú USD Việt mới

Tạp chí Forbes đầu tháng 3/2018 công bố danh sách những tỷ phú USD giàu nhất thế giới năm 2018 trong đó có thêm hai đại diện mới đến từ Việt Nam. Đó là ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco.

Theo công bố của Forbes khi đó, ông Trần Đình Long có khối tài sản 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của ông Trần Bá Dương ước tính khoảng 1,8 tỷ USD.

Sở dĩ ông Trần Đình Long lọt vào top tỷ phú thế giới là nhờ cổ phiếu HPG của tập đoàn thép có thị phần lớn nhất Việt Nam - Hòa Phát liên tục lập đỉnh cao mới trong quý cuối 2017 và quý 1 năm 2018. Tuy nhiên, trong hai quý cuối năm, cổ phiếu HPG tụt giảm khá mạnh khiến ông Trần Đình Long rớt khỏi danh sách tỷ phú Forbes trong tháng cuối cùng của năm.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương được xem là một tỷ phú USD thực thụ, đang sở hữu tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng.

Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỷ đồng. Với mức giá khá cao trên OTC, vốn hóa thị trường của Thaco đạt 2,5-3 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.

Trong năm 2018, ông Trần Bá Dương còn nổi tiếng với thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức).

Trịnh Văn Quyết: Đắm đuối giấc mơ bay, tài sản bốc hơi

Năm 2018, giấc mơ bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã trở thành hiện thực với việc hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) chính thức nhận giấy phép bay. Bamboo Airways hiện có 1.000 nhân sự và những chiếc máy bay đầu tiên thuộc dòng A319, A320 của Airbus. Tuy nhiên, sang năm 2019 hãng mới có thể thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên. 

Trong năm 2018, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết bốc hơi hàng tỷ USD. Tuy nhiên, cú tăng giá mạnh của cổ phiếu ROS (Xây dựng FLC Faros) vào cuối năm đã giúp ông Quyết trở lại top 4 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ông Quyết hiện nắm 382,2 triệu ROS, tương đương 67,34% vốn điều lệ công ty. Vợ ông Trịnh Văn Quyết - Lê Thị Ngọc Diệp trong tháng cuối năm 2018 đăng ký bán toàn bộ gần 26,7 triệu cổ phiếu Xây dựng FLC Faros. 

{keywords}
Các tỷ phú USD Việt.

Tỷ phú ẩn mình Nguyễn Đăng Quang

Trong năm 2018 chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của ông Nguyễn Đăng Quang. Bloomberg ghi nhận ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan Group là một trong hai tỷ phú USD mới của tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018. Ông Quang vẫn chưa được Forbes xếp hạng nhưng có thể lọt danh sách này trong bảng công bố vào tháng 3 năm tới.

Ông Nguyên Đăng Quang là tiến sỹ vật lý hạt nhân nhưng thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Ông được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga. Về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một chế hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm từ mì gói, tương ớt, nước tương,...

Hiện ông Quang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 50% cổ phần của Masan Group, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang được đánh giá là còn cao hơn nếu dựa vào thương vụ đầu tư 470 triệu USD của tập đoàn Hàn Quốc SK Group mua 110 triệu cổ phiếu MSN hồi tháng 9. Khi đó, tài sản của ông Quang có thể lên tới khoảng 2 tỷ USD.

Masan của ông Quang hiện ắm giữ mỏ quặng quý hiếm hàng đầu thế giới sau khi công ty con mua lại 49% để sở hữu 100% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo - H.C.Starck.

Trần Quý Thanh: Lộ mấy tỷ USD, vào danh sách theo dõi

Cuốn sách có tên Competing with Giants (tạm dịch: Cạnh tranh với người khổng lồ) được Fobesbook xuất bản trong năm 2018 tiết lộ một tỷ phú Việt tầm cỡ thế giới chưa từng lọt vào một danh sách giàu có nào. Trong sách, ông Trần Quý Thanh từng từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD mà Coca Cola đã đề nghị mua cổ phần chi phối từ 7 năm trước.

Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.

Gần đây, tập đoàn của ông Trần Quý Thanh mở rộng sang mảng BĐS, một dấu hiệu cho thấy đại gia này sắp lộ diện và tính đường bùng nổ. Tân Hiệp Phát lập công ty mua bán nợ vốn 100 tỷ đồng, có thể là nhằm săn quỹ đất trong giai đoạn đầu làm BĐS.

M. Hà

Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu

Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu

Các tỷ phú Việt tiếp tục khẳng định vị thế với quyền lực vững chắc trong nước và trên trường quốc tế.