Ông Ruslan, một chuyên gia quân sự Ukraine là một trong những người đầu tiên điều khiển UGV Ratel-S trong vùng xung đột. Ông cho biết rất khó để có thể gây nhiễu UGV hay còn gọi là robot mặt đất.

Bùng nổ vào tháng 2/2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ máy bay không người lái (UAV).

vu khi duoi mat dat nga ukraine.jpg
UGV Ratel-S của Ukraine. Ảnh: Brave1

Các UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) nổi tiếng hơn cả, khi giúp Nga và Ukraine tiến hành trinh sát cũng như tấn công đối phương. Ngoài ra, các xuồng không người lái hải quân (USV) của Ukraine cũng trở thành vũ khí quan trọng gây tổn thất nặng nề cho Hạm đội Biển Đen của Nga hoạt động ở trong và xung quanh bán đảo Crưm.

Dù UGV hiện thu hút ít sự chú ý hơn, nhưng nó lại là thị trường phát triển mạnh mẽ được cả Nga và Ukraine chú trọng. 

Bà Nataliia Kushnerska, giám đốc điều hành tại cụm công nghệ quốc phòng Ukraine Brave1, nhận định: “Chúng tôi xem UGV là nhân tố tiếp theo làm thay đổi tình hình cuộc xung đột”. 

Ông Ruslan cũng đồng tình với nhận định trên, và nhấn mạnh “UGV chắc chắn là rất quan trọng”.

Theo ông Samuel Bendett tại tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phân tích CAN có trụ sở tại Washington, điều quan trọng là UGV có khả năng chống lại tình trạng phá sóng, cũng như tác động từ UAV Nga. 

Chia sẻ với Newsweek, ông Paul van Hooft, nhà nghiên cứu hàng đầu về quốc phòng và an ninh tại chi nhánh châu Âu của tổ chức nghiên cứu RAND, cho rằng tín hiệu được gửi từ người điều khiển tới UAV trên không có thể bị chặn từ mọi hướng xung quanh, nhưng UGV lại thường được sử dụng trong tầm nhìn. Do đó, việc gây nhiễu cho UGV trở nên khó khăn hơn, do thiết bị gây nhiễu phải nằm ở điểm giữa người điều khiển và UGV.

Tuy nhiên, hạn chế của UGV là phạm vi hoạt động. Tín hiệu truyền từ người điều khiển đến thiết bị cũng sẽ bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên như địa hình, đồi núi, cây cối, hoặc mương rãnh. Các chướng ngại vật trên đường cũng có thể cản bước tiến của UGV gắn bánh xe, hoặc bánh xích.

Chạy đua cải tiến

Mục đích chính của quá trình phát triển UGV là tránh phải sử dụng con người trong những tình huống nguy hiểm nhất. Chúng được thiết kế để tấn công các mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ hậu cần, và sơ tán nhân viên bị thương. Bà Kushnerska tiết lộ, các lực lượng quân sự Ukraine đã tích cực sử dụng UGV.

Theo giới chức Ukraine, cho đến nay, robot Volya-E của Kiev đã sơ tán được hơn 100 binh sĩ Ukraine bị thương hoặc thiệt mạng, trong khi UGV Ratel-S đã làm nổ tung một cây cầu ở khu vực phía đông Donetsk, nơi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hậu cần của Nga dọc tiền tuyến. 

vu khi duoi mat dat nga ukraine 1.jpg
UGV Ratel-S từng đánh sập một cây cầu đóng vai trò quan trọng hậu cần đối với Nga ở Donetsk. Ảnh: Brave1

Nhiều cơ sở ở Ukraine đang mở rộng quy mô hoạt động để sản xuất thêm UGV. Riêng cụm công nghiệp quốc phòng Brave1 hiện có hơn 240 thiết kế đã đăng ký, với hơn 160 nhà sản xuất Ukraine tham gia. 

Ngoài ra, Kiev cũng đang theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển UGV của Nga để triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả, cũng như tăng khả năng cho chính các UGV của nước này. 

Các thiết kế của Ukraine bao gồm UGV trang bị súng máy, hoặc UGV cảm tử như Ratel-S. Bên cạnh đó, Ukraine còn sử dụng một phiên bản khác là Ratel-H để vận chuyển nhiều binh sĩ bị thương cùng một lúc.

Trong khi đó, Nga có nhiều mẫu UGV gần giống với các thiết kế mà Ukraine theo đuổi như Marker trang bị công nghệ AI, và các UGV này được cho là chủ yếu hữu ích cho công tác hậu cần. Gần đây, Nga cũng đã trình làng mẫu UGV mới giống hình con nhện để có thể di chuyển trên các địa hình hiểm trở hơn, và được trang bị 2 súng máy.

Ông Ruslan thừa nhận các UGV của Nga cũng khó bị Ukraine gây nhiễu hơn so với UAV mà các lực lượng của Moscow vẫn dùng.

Trên thực tế, UGV có thể mang theo nhiều chất nổ hơn so với FPV. Khi 2 thiết bị này cùng được sử dụng, chúng có thể giúp Ukraine có thêm lựa chọn đối phó với quân đội Nga, đồng thời bảo vệ những người điều khiển hoạt động ở cách xa tiền tuyến.