Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn France 24 hôm 22/2, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết, Armenia ngày càng không hài lòng với Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một khối gồm 6 thành viên do Nga dẫn đầu, được thành lập tháng 5/1992.

thu tuong armenia.jpg
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi tin rằng, trong trường hợp của Armenia, hiệp ước đã không được thực thi, đặc biệt trong giai đoạn năm 2021 – 2022. Việc đó không thể bị phớt lờ. Chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước này. Chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra tiếp theo”, ông Pashiyan giải thích.

Năm 2020, Azerbaijan đã chiếm lại phần lớn khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, nơi có người dân tộc Armenia liên kết với Yerevan sinh sống. Cuộc xung đột kéo dài 44 ngày kết thúc bằng lệnh ngừng bắn, trong đó Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực. Các vụ đụng độ biên giới quy mô nhỏ hơn giữa Armenia - Azerbaijan tiếp tục diễn ra vào các năm 2021 và 2022.

Azerbaijan đã tái lập toàn quyền kiểm soát Karabakh trong một chiến dịch tấn công chớp nhoáng vào tháng 9/2023, khiến hơn 100.000 cư dân Armenia địa phương phải tháo chạy. Chính quyền Pashinyan công nhận Karabakh là một phần của Azerbaijan cùng năm.

Theo đài RT, Armenia bắt đầu từ chối tham dự một số sự kiện và các cuộc tập trận quân sự của CSTO vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông Pashinyan trước đây từng tuyên bố Yerevan không có kế hoạch chính thức cắt đứt quan hệ với khối. Tuy nhiên, ông Pashinyan kêu gọi khối và Nga ủng hộ Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan cũng như lên án “sự hung hăng” của nước láng giềng này trong khu vực.

Đầu tháng này, Yeveran và Baku đổ lỗi cho nhau về việc bắt đầu một cuộc đọ súng ở biên giới khiến 4 binh sĩ Armenia thiệt mạng và một lính biên phòng Azerbaijan bị thương. Sau vụ đụng độ, Thủ tướng Armenia cáo buộc Azerbaijan đang lên kế hoạch cho “một cuộc chiến tranh toàn diện” chống lại đất nước của ông. Ngược lại, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev buộc tội Armenia khuấy động căng thẳng.

Tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo, việc rời khỏi CSTO sẽ không có lợi cho Armenia. Tuy nhiên, ông Putin nói thêm quyết định cuối cùng nên do Yerevan đưa ra, đồng thời nhấn mạnh Moscow muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng.

>> Xem tin quân sự mới nhất trên báo VietNamNet