Tại tổ thảo luận TP.HCM sáng 25/5 nhiều ĐBQH bàn luận về tình hình kinh tế và các giải pháp phục hồi. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng tình với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, kết quả này là tổng hợp của những nỗ lực quyết liệt, không mệt mỏi trong thời gian qua. Chủ tịch TP nói, TP. HCM đã kiểm soát được dịch Covid-19 rất tốt, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ và khá đồng bộ. Sản xuất công nghiệp đã tăng 2,6%. Đây là tháng thứ tư tăng trưởng dương liên tục, sau khoảng thời gian rất dài bị âm.

“Nhìn vào con số thấy đơn giản như thế nhưng đó là cả một nỗ lực lớn. Chúng ta có niềm tin về dư địa nội lực và chúng ta cũng tin những nỗ lực, giải pháp thời gian qua đã đúng hướng, cần phải tập trung hơn nữa”, ông Mãi đánh giá.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn cũng còn tăng chậm. Ông Mãi cho rằng cần nhận dạng để có giải pháp tháo gỡ, để các ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng nhanh hơn.

Thu ngân sách TP.HCM đã đạt trên 54%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lại rất nhanh, xuất nhập khẩu tốt.

Ông Mãi cũng thừa nhận có một số tồn tại cần nhận dạng khi khu vực bất động sản vẫn âm 12,6%.

“Khi chúng ta siết tín dụng vào bất động sản, có hay không chuyện chúng ta đập con chuột mà không làm bể bình, hay là đã bể bình rồi?”, Chủ tịch TP.HCM nêu ý kiến.

Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại tổ.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị với Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới, phải tập trung đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các gói phục hồi kinh tế. Các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Mãi đề nghị Trung ương, Chính phủ quan tâm vấn đề xã hội và các hỗ trợ để bảo đảm an sinh. Từ quý 2, TP.HCM đã nhận diện ra vấn đề khi tăng giá đã tác động đến một bộ phận người dân, nhất là những người thu nhập thấp.

Không kiểm soát giá xăng dầu sẽ dẫn đến 'domino' tăng giá

ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, những tháng cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự báo có nhiều thách thức, nhất là những nước nền kinh tế có độ mở lớn.

Thời điểm đầu năm, do chính sách kích thích kinh tế của các nước, lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Trong bối cảnh hiện tại, những vấn đề về khủng hoảng năng lượng, lương thực, nhân đạo, đói nghèo đang trở thành những nội dung rất lớn trên những diễn đàn kinh tế của thế giới.

Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF) đưa ra cảnh báo, nhiều quốc gia trên thế giới buộc phải điều chỉnh các chỉ số tăng trưởng. Hầu hết các quốc gia đều cắt giảm các chỉ số tăng trưởng từ 1-15%.

Riêng Việt Nam, IMF đưa ra dự báo mức 6%, năm 2023 tăng trưởng 7%. Đây là một tín hiệu đáng mừng tuy nhiên các dự báo này sẽ được cập nhật và điều chỉnh theo thực tế.

ĐB TP.HCM lưu ý tới vấn đề lạm phát. Ông cho rằng, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát. Đợt nặng nề nhất là từ sau khi đổi mới năm 1986 và đợt gần nhất là lạm phát do suy thoái kinh tế năm 2008. Chỉ số lạm phát lúc đó lên tới 23%. Chỉ số lạm phát vào năm 2011 cũng lên 2 con số. Khi đó, tất cả các chi phí giá cả, hàng hoá đều tăng lên và đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

“Khi đó chúng ta buộc phải dùng “thuốc liều cao” để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Ngân nói.

Ông Ngân cho rằng, với tình hình giá xăng dầu hiện nay, các cơ quan cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, không để tăng lên quá cao.

ĐB Trần Hoàng Ngân.

“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu”, ĐB Ngân nói. Ông cho rằng, trong kỳ họp này, ĐBQH nên đưa vấn đề này vào QH xem xét.

Ông bày tỏ, không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ, và hiện người dân rất khó khăn.

Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch

Thảo luận ở tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các ý kiến phát biểu góp ý của các ĐBQH với các nội dung rất đúng và đưa ra những giải pháp.

Chủ tịch nước ghi nhận đánh giá cao ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về sự thay đổi TP.HCM trong tất cả các chỉ tiêu. “TP.HCM đã phục hồi nhanh trong tất cả các lĩnh vực, sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm người lao động trở lại sau đại dịch”, Chủ tịch nước nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh từ cán bộ lãnh đạo hay ĐBQH không được chủ quan, thỏa mãn với thành tích bước đầu, bởi phía trước còn rất nhiều khó khăn.

Từ đó, Chủ tịch nước cho biết cần nhìn nhận một số vấn đề sau: Trước hết, người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, phải nhìn thực chất. Chủ tịch nước nêu lại ý từ báo chí “Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch”.

Ông cho rằng, đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động Covid-19. “Khó khăn doanh nghiệp là không thể bàn cãi” khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa, đây là do đại dịch bất khả kháng gây ra. 

Chủ tịch nước phát biểu tại tổ.

Nói về Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra với chuyên đề về lương thực trên thế giới, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam may mắn là đất nước nông nghiệp. Tuy nhiên năm nay, khu vực Miền Trung thời tiết thất thường, thu hoạch năng suất rất thấp, khó khăn. Thêm nữa, hiện tượng rút BHXH một lần hàng loạt sẽ càng gây khó khăn cho kinh tế xã hội. 

Về tình hình thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán đã “bốc hơi” mạnh.

“Nói điều này để thấy rằng, cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này. Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp”, ông nói.

Về gói kích thích kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhận định, việc triển khai các gói hỗ trợ rõ ràng chậm, doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít. Kể cả TP.HCM cần kích thích mạnh mẽ hơn để những gói kích thích này đi vào cuộc sống.

Nếu như gói hỗ trợ không kịp thời sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động nghèo, đúng như bài báo “đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”, ông nói.

Chủ tịch nước cũng nói về các vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Trần Thường

Chủ tịch TP.HCM trăn trở khi bác sĩ từ 'người hùng' thành sai phạm vì mua sắm thiết bị

Chủ tịch TP.HCM trăn trở khi bác sĩ từ 'người hùng' thành sai phạm vì mua sắm thiết bị

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau chống dịch đã ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những "người hùng" nhưng gần đây xã hội đang có xu hướng nhìn bất kỳ cái gì, bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng đều có chủ ý sai phạm.
Kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân

Kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân

Kinh tế xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Thủ tướng: 'Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về nền kinh tế Việt Nam'

Thủ tướng: 'Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về nền kinh tế Việt Nam'

Thủ tướng nhấn mạnh trước cộng đồng doanh nghiệp Mỹ: Nền kinh tế Việt - Mỹ còn nhiều dư địa phát triển, nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.