Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti hôm 27/5, ông Yury Pilipson, người đứng đầu Vụ châu Âu thứ 4 của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine đã làm suy yếu vị thế của Ankara với tư cách là nhà hòa giải tiềm năng trong cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine

"Ankara đã nhiều lần tuyên bố ý định đảm bảo một lệnh ngừng bắn nhanh chóng ở Ukraine, và khôi phục quá trình đàm phán thông qua vai trò trung gian hòa giải của họ. Nhưng việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev trực tiếp mâu thuẫn với ý định của Ankara, và mâu thuẫn với vai trò của một trung gian hòa giải”, ông Pilipson nói.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine. Ảnh minh họa 

Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào tháng 3/2022, khoảng một tháng sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ. 

Cùng với Liên Hợp Quốc, Ankara còn làm trung gian cho một thỏa thuận ngũ cốc giữa Moscow và Kiev vào mùa hè năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó liên tục kêu gọi các bên nối lại đàm phán hòa bình, và Ankara sẵn sàng đảm nhận tư cách là trung gian hòa giải.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông thường xuyên liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên duy nhất trong NATO không áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. 

Tuy nhiên, kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần gửi vũ khí và thiết bị quân sự cho chính quyền Kiev. 

Kiev ám chỉ là thủ phạm tấn công cầu Crưm

Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) Vasily Malyuk thừa nhận, Kiev đã nhắm mục tiêu vào cây cầu chiến lược Crưm với mục đích làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga.

Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố của ông Malyuk với truyền thông Ukraine trước câu hỏi về trách nhiệm của Kiev trong vụ nổ làm hư hại cầu Crưm vào tháng 10/2022. Moscow từng mô tả đây là “hành động khủng bố” do các đặc vụ Ukraine thực hiện bằng cách sử dụng xe tải chở bom. 

Trong lần công khai thừa nhận hiếm hoi về vai trò của Kiev trong vụ việc trên, ông Malyuk nói rằng, “do đây là tuyến đường hậu cần nên cần phải bị cắt đứt, một số biện pháp đã được thực hiện”. 

Tuy nhiên, quan chức Ukraine từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết. 

Vụ nổ trên cầu Crưm đã cướp đi sinh mạng của một số người, và khiến một phần đường bên làn dành cho ô tô bị sập, cũng như làm xuất hiện đám cháy trên tuyến đường sắt. 

Sau khi khắc phục thiệt hại, chính quyền Nga đã cho mở tất cả các làn đường cho ô tô vào tháng Hai năm nay. Tới tháng Năm, giao thông đường sắt cũng được khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, do lo ngại về vấn đề an ninh, giới chức Nga cho rằng còn quá sớm để cho phép bất kỳ xe tải nào đi qua cầu Crưm.

Đáp trả sau vụ cầu Crưm bị đánh bom, Nga đã cho tăng cường tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine.