Dẫn lời giới chức Mỹ, tờ Washington Post cho hay đây là thông tin được đại diện Ukraine đưa ra trong một hội nghị an ninh diễn ra vào tháng 2. 

Theo nguồn tin, Ukraine từng bắn hạ được 4/5 tên lửa do Nga phóng, nhưng năng lực này có thể sớm bị suy giảm và chỉ còn bắn được 1/5 tên lửa. Nguồn tin nhấn mạnh thêm, việc thiếu tên lửa phòng không sẽ “ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống ở các trung tâm đô thị của Ukraine”.

nga ukraine 3.jpg
Mỹ thử nghiệm hệ thống tên lửa Patriot hồi năm 2019. Ảnh: Lục quân Mỹ

Kể từ mùa thu năm 2022, Nga đã cho triển khai chiến dịch tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các mục tiêu quân sự, tổ hợp công nghiệp - quốc phòng, và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng nhấn mạnh, mục tiêu của chiến dịch là “đè bẹp tiềm lực quân sự của Ukraine”.

Vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp đã bị Nga phá hủy ở vùng Kharkiv của Ukraine. Trước đó, Nga đã công bố đoạn video về cuộc tấn công vào hệ thống phòng không S-300 được Ukraine triển khai tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. 

Chia sẻ với Washington Post, giới chức Mỹ đã cảnh báo về “sự sụp đổ thảm khốc của các phòng tuyến Ukraine trong tình huống xấu nhất, và khả năng dẫn tới thương vong lớn", nếu Kiev không nhận được thêm sự hỗ trợ quân sự từ Washington.

Trong khi đó, gói hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho Ukraine như đề xuất của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. 

Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh chuyển vũ khí cho Ukraine sẽ không thể ngăn cản Moscow đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt, mà chỉ kéo dài xung đột, cũng như có thể làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Theo các quan chức Nga, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo, và huấn luyện quân đội Ukraine có nghĩa là các quốc gia phương Tây trên thực tế đã trở thành các bên tham gia vào cuộc xung đột.