- Hầu hết các thị trường lớn trên thế giới dường như đang ngưng lại và thể hiện một tâm lý có chiều hướng tiêu cực. Sau những cú sốc từ Trung Quốc, tất cả đang nín thở chờ Mỹ ra tay. Đó là cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 16-17/9 tới.

Sự ngưng trệ đáng sợ

Thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á và châu Âu khởi động phiên giao dịch đầu tuần 14/9 khá thận trọng. Dòng tiền đổ vào các thị trường đang tiếp tục giảm.

Tính tới 14h chiều ngày 14/9 (giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán khu vực châu Á Thái Bình Dương MSCI Asia Pacific gần như không đổi so với cuối tuần trước. Những diễn biến có phần tích cực đầu tuần mới đã bị xóa tan do giới đầu tư chưa thoát ra khỏi tâm lý thận trọng trước thời điểm quyết định trong chính sách tiền tệ của Mỹ và những tín hiệu không rõ ràng của kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải thậm chí giảm 3,4%, trong khi chỉ số trên sàn chứng khoán phía Nam của TQ - Thâm Quyến giảm 6,3%. TTCK Hong Kong biến động mạnh trong khoảng từ giảm 1% cho đến tăng 1,4%. Chỉ số Topix của Nhật giảm 1,2%. Trong khi chỉ số tương lai Standard & Poor’s 500 đánh mất những điểm tăng lúc mở đầu tuần mới.

Thị trường vàng cũng ở trong tình trạng tĩnh lặng nghe ngóng khiến giá vàng thế giới trong phiên giao dịch sáng 14/9 trên thị trường châu Á tiếp tục xu hướng giảm nhẹ sau 3 tuần giảm liên tiếp. Nhiều NĐT vẫn đặt hy vọng vào khả năng tăng lãi suất của Fed.

{keywords}

Hầu hết các thị trường lớn trên thế giới dường như đang ngưng lại và thể hiện một tâm lý có chiều hướng tiêu cực.

Sau khi giảm 1,61% trong tuần trước và giảm khoảng 3,4% trong 2 tuần trước đó, giá vàng giá giao ngay giảm 2 USD xuống 1.106,7 USD/ounce. Giá dầu thô giảm nhẹ 0,1% xuống dưới 44,6 USD/thùng.

Đồng USD, trong khi đó, yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot hướng tới mức thấp nhất trong 2 tuần qua trong bối cảnh các tay buôn và các nhà kinh tế có dự báo khác nhau về khả năng tăng lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ qua của Fed.

Lý giải trên Bloomberg, một số chuyên gia cho rằng, sự tĩnh lặng của dòng tiền mà kéo theo đó là diễn biến tiêu cực của nhiều thị trường là do giới đầu tư đang thu hẹp các hoạt động giao dịch trong bối cảnh Fed sắp đưa ra quyết định có tăng lãi suất hay không trong phiên họp trong hai ngày 16-17/9.

Nếu như trước đó, tín hiệu tăng lãi suất trong tháng 9 được phát ra khá chắc chắn thì giờ đây  khả năng này đã thấp dần. Một số khảo sát cho thấy, gần 60% chuyên gia cho rằng Fed sẽ trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính toàn cầu gần đây.

Con bệnh “mới nổi” và sự chần chừ của Fed

Vị chủ tịch Fed - bà Janet Yellen - có chủ trương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, theo tính hiệu của thị trường. Theo đó, tất cả phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế.

Nếu xét theo khía cạnh này, Fed dường như đã có đủ cơ sở để bắt đầu bước nâng lãi suất đầu tiên, xóa bỏ chính sách nới lỏng với lãi suất gần như bằng 0 đã duy trì trong gần một thập kỷ qua.

{keywords}

Sau những cú sốc từ Trung Quốc, tất cả đang nín thở chờ Mỹ ra tay.

Theo Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Tỷ lệ người lao động không có việc làm giờ chỉ còn 5,1%, so với mức 7,5% hồi giữa năm 2013. Hàng loạt các chỉ số khác từ giá BĐS, cho tới doanh số bán ô tô… đều khá tích cực. Tăng trưởng GDP của Mỹ khá ấn tượng trong bối cảnh thế giới gặp khó khăn…

Tuy nhiên, cú sốc trên TTCK TQ trong 3 tháng qua cùng với quyết định phá giá đồng NDT thông qua biện pháp thả nổi có kiểm soát của TQ cùng với sự lao dốc đồng loạt của nhiều đồng tiền từ Á sang tới châu Mỹ… là những yếu tố có thể khiến Fed chần chừ. Cơ quan này đang phải phân tích rất nhiều các yếu tố liên quan để đưa ra quyết định cuối cùng.

Yếu tố mà Fed phải cân nhắc đầu tiên là sự bất ổn của thị trường tài chính vào thời điểm hiện tại. TTCK toàn cầu vẫn khá mong manh, chứng khoán TQ vẫn có nguy cơ tụt giảm sâu thêm; đồng USD tăng giá; lạm phát chưa có dấu hiệu tăng tốc; DN xuất khẩu của Mỹ gặp khó khăn vì đồng USD mạnh…

Một trong những lý do quan trọng nữa là sức khỏe của các nền kinh tế mới nổi. Chỉ vài năm trước đây, các thị trường mới nổi được xem là động lực chính cho kinh tế thế giới, thì giờ đây, hàng loạt bong bóng đang xì hơi.

TQ không còn ghi nhận tăng trưởng 2 con số và Brazil không còn tăng “như tên lửa”. Giờ đây các cỗ máy này đều đang rệu rã. Tăng trưởng GDP của TQ bị nghi ngờ chỉ còn tăng 5-6%, thậm chí 2%, trong khi Brazil có thể suy giảm 2% trong năm 2015. Kinh tế Indonesia chỉ còn tăng 4,7% trong quý II, không theo kịp đà tăng dân số. Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó chứng kiến tăng trưởng giảm từ mức 9% năm 2011 xuống còn 2,3% trong quý vừa qua.

Trên thực tế, quyết định tăng hay giảm lãi suất của Fed là chính sách hướng tới thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển bền vững. Fed đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong một thời gian dài và giờ đây đã đến lúc Mỹ thắt chặt dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Tuy nhiên, một đồng USD tăng giá quá nhanh trong vài năm gần đây và cú sốc từ TQ khiến chứng khoán Mỹ giảm 11% trong 5 phiên liên tiếp hồi tháng 8 có thể khiến Fed phải cân nhắc các tác động tiêu cực từ thế giới.

Nếu Fed không tăng lãi suất trong tháng 9, theo lý thuyết, nhiều khả năng các đồng tiền mới nổi sẽ phục hồi, chứng khoán châu Á và vàng có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là ngắn hạn bởi, theo bà Janet Yellen, năm nay là thời điểm phù hợp để nâng lãi suất. Từ nay đến cuối 2015, Fed còn 2 cuộc họp trong tháng 10 và tháng 12.

Mục đích của việc Fed muốn giảm dần và chấm dứt chính sách nới lỏng là để đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế về dài hạn. Điều này sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra. Có thể, Mỹ sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề ngắn hạn nhưng sẽ sớm trở lại với định hướng của mình.

Một quyết định tăng lãi suất vào cuối năm 2015 hoặc đầu 2016 có thể là hợp lý để NHTW các nước thoát ra khỏi một năm đầy biến động về tỷ giá. Các nước có thêm thời gian để đối phó với sự mất giá của đồng tiền trong nước cũng như một đợt rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.

V.Minh