Khi áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và coi lợi ích của nước này chỉ là thứ yếu, Nga cũng đồng thời gây phương hại cho chính mình.

{keywords}
Biểu ngữ của người dân Nga phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24. Ảnh: EPA

Sự việc máy bay Su-24 bị bắn rơi ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria dẫn tới việc Moscow trừng phạt Ankara. “Họ sẽ phải hối tiếc gấp bội lần vì những gì họ đã làm. Chúng tôi biết phải làm gì” – Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong thông điệp liên bang.

Diễn biến sau đó là hàng loạt vụ tố cáo giữa hai bên. Moscow đưa ra chứng cứ cho rằng, gia đình Tổng thống Erdogan đã mua dầu từ vùng đất dưới quyền kiểm soát của phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS).

Nga đồng thời tiến hành các trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm lệnh cấm nhập các loại trái cây và rau củ, các máy bay thương mại và cấm người lao động Thổ tại Nga.

Theo trang Aljazeera, Ankara nói rằng họ có thể mất tới 9 tỉ USD (tương đương 0,4% tổng sản phẩm quốc nội) khi các lệnh trừng phạt tàn phá thương mại song phương trị giá 31 tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, Kremlin đã không bận tâm tới việc các trừng phạt gây ảnh hưởng như thế nào tới bữa tối, tủ quần áo và các kế hoạch đi nghỉ của vô số người dân Nga.

Đi nghỉ tại Antalya là một trong số những lựa chọn tối ưu nhất của hàng triệu khách du lịch Nga – cho tới khi Kremlin cấm các chuyến bay thương mại và yêu cầu các công ty du lịch ‘sơ tán’ hàng chục ngàn khách khỏi nơi này.

Một năm trước, rau quả của Thổ Nhĩ Kỳ thay thế sản phẩm từ châu Âu mà Nga cấm vận – nhằm trả đũa trừng phạt liên quan tới việc sáp nhập Crưm. Quần áo và giày dép Thổ từ nhiều năm nay đã cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc.

Nhưng những ngày này, các loại trái cây có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ không còn thấy trên các sạp trong siêu thị Nga – và một số nhà buôn nói sẽ giảm dần việc mua hàng ở Thổ.

“Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ giảm nhập khẩu giầy dép từ Thổ Nhĩ Kỳ” – Andrey Pavlov, chủ một mạng lưới cửa hiệu giày dép nói. Năm ngoái, Pavlov bán 500.000 đôi giày nhập từ Thổ.

Xung đột đôi bên cũng gây tổn thất cho các công ty nhà nước của Nga trong khi tìm cách làm tổn thương Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi cách.

Gazprom, tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga, thông báo hồi tháng Giêng rằng họ sẽ xây lắp đường ống dài 1.100 km tới Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một trung tâm phân phối tới Liên minh châu Âu. Nhưng đến đầu tháng 12, Gazprom dừng dự án.

Theo Leonid Grigoriev, Trưởng cố vấn về vấn đề năng lượng của Kremlin, dự án này đáng ra đã mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội ‘phát triển kinh tế, bởi vì đây là một dự án xây dựng lớn, cùng với vai trò rất quan trọng tại châu Âu khi là một trung tâm (phân phối), và lại được ưu đãi về khí đốt”.

Rosatom, một tập đoàn hạt nhân quốc doanh, đã dừng công việc xây dựng một nhà máy điện nguyên tử trị giá 22 tỉ USD ở tỉnh Mersin, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Thậm chí, những người gần gũi và ủng hộ ông Putin nhiều nhất cũng phải thừa nhận rằng các trừng phạt này gây hại cho Nga nhiều hơn là Thổ Nhĩ Kỳ.

Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị thân Kremlin, nhận định các trừng phạt này đã không được cân nhắc thấu đáo, bởi vì chúng được thông qua chủ yếu do cảm xúc.

“Chúng (các trừng phạt) gây tiêu cực cho kinh tế Nga. Hơn nữa, chúng bất lợi cho công dân Nga” – ông Markov nói.

Lê Thu