Giấc mộng tỷ đô là khát khao của rất nhiều đại gia Việt. Không ít đại gia đã thành công nhưng cũng có người phải âm thầm chịu dựng thất bại chờ thời. Thậm chí vướng vòng lao lý với tham vọng của mình.

Tham vọng tỷ USD

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của doanh nhân Trần Đình Long chuẩn bị ĐHCĐ 2016 với khá nhiều thông tin tốt lành. Nổi bật nhất có lẽ mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong bối cảnh ngành thép gặp nhiều khó khăn trước làn sóng thép giá rẻ Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

{keywords}
Doanh nhân Việt nổi tiếng trong vài năm gần đây.

Tổng doanh thu của Hòa Phát năm 2015 tăng trưởng gần 8%, đạt trên 28 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,25 tỷ USD). HPG nằm trong số ít các doanh nghiệp trên TTCK Việt Nam có doanh thu tỷ đô.

Trái với không khí u ám của đại hội cổ đông năm trước, HPG đã có một năm giữ vững danh hiệu tỷ USD - vốn là niềm mơ ước và kỳ vọng của rất nhiều doanh nhân hàng đầu tại Việt Nam.

Tập đoàn Masan (MSN) của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang ghi nhận một bước tăng trưởng ngoạn mục với doanh thu từ hơn 18 ngàn tỷ năm 2014 tăng vọt lên hơn 32 ngàn tỷ (tương đương hơn 1,4 tỷ USD) trong năm 2015.

Doanh thu của Masan đến từ khá nhiều nguồn, trong đó nổi bật là từ mảng kinh doanh hàng tiêu dùng Masan Nutri-Science (đóng góp hơn 14 ngàn tỷ đồng). Khoáng sản và chế biến giá trị gia tăng cũng đã mang lại cho MSN gần 2,7 ngàn tỷ đồng sau khi mỏ Núi Pháo đi vào hoạt động.

Cũng trong năm bản lề 2015, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) của doanh nhân mới nổi Nguyễn Đức Tài đã ghi nhân doanh thu tăng 62% đạt trên 25 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD)

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên giữ vững mức doanh thu tỷ đô năm thứ 5 liên tiếp. Năm 2015, Vinamilk ghi nhận doanh thu 36 ngàn tỷ (khoảng 1,6 tỷ USD), tăng so với mức gần 32 ngàn tỷ năm liền trước.

Giống như VNM, Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp doanh thu ở trên mức 1 tỷ USD. Trong năm 2015, FPT chứng kiến doanh thu tăng khoảng 16% lên gần 38,6 ngàn tỷ đồng (1,7 tỷ USD).

Trong khi đó, không ít đại gia Việt vẫn chưa thể đạt được giấc mộng tỷ USD sau bao nhiêu năm nỗ lực và đã đứng ở vị trí đầu ngành.

Tạo thế chờ thời

Vượt trội các DN trong nước và thế giới nhưng Thủy sản Minh Phú (MPC) của chủ tịch Lê Văn Quang, “vua tôm” của Việt Nam, vừa trải qua một năm tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ qua với doanh thu giảm hơn 24% xuống chỉ còn khoảng 12 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận chỉ hơn 25 tỷ đồng.

Doanh thu tụt giảm khiến giấc mơ tỷ đô của Minh Phú trở nên xa vời. Năm 2016, MPC đạt mục tiêu doanh thu gần 20 ngàn tỷ. Tuy nhiên, để có thể gia nhập câu lạc bộ DN tỷ đô có lẽ MPC cần thêm yếu tố thiên thời địa lợi.

{keywords}
Nhiều DN Việt Nam đã thành công với doanh thu tỷ USD. Nhưng tỷ phú đô la Việt Nam mới có 1.

Chiến lược hướng tới phát triển bền vững giúp Minh Phú dần làm chủ chuỗi khép tín từ giống, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm. Nhưng có lẽ đây cũng chính là lý do khiến giấc mơ “tỷ đô” của ông Lê Văn Quang chậm lại.

Tại một cuộc hội thảo của UBGSTCQG gần đây, hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận một bức tranh khá u ám của kinh tế thế và sự bất ổn tiềm ẩn. Theo đó, sự đi xuống của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh tới DN trong nước bởi Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng.

Trên thực tế, hầu hết các DN đã gia nhập CLB “DN tỷ đô” tại Việt Nam đều có thị trường chủ yếu là trong nước.

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú duy nhất tại Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến doanh thu năm 2015 gấp đôi 15 ông lớn BĐS khác cộng lại, tăng hơn 20% lên gần 36 ngàn tỷ đồng nhờ hoạt động bán hàng và dịch vụ từ các mảng Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl. DN hiện là chủ của rất nhiều dự án BĐS cao cấp trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, ông Vượng đang xây dựng chuỗi phân phối mang các thương hiệu VinPro, VinMart.... đồng thời khai thác khá nhiều thị trường tiềm năng như giáo dục, du lịch và y tế.

Vinamilk trong khi đó cũng là thương hiệu sữa lớn nhất tại Việt Nam. DN này gần đây dưa vào hoạt động thêm 2 siêu nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương với tổng đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phục vụ chủ yếu thị trường trong nước và một phần cho xuất khẩu.

Hòa Phát của ông Trần Đình Long, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang và Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài là những DN phát triển như vũ bão trên cơ sở khai thác sức tiêu dùng rất mạnh của thị trường nội địa.

Năm 2015, Thế giới di động ghi nhận kỷ lục mở thêm 269 siêu thị bán lẻ điện thoại di động và điện máy. Trong khi đó, Masan của ông Quang liên tục thực hiện chiến dịch thâu tóm các thương hiệu lớn từ Vinacafe, nước khoáng Vĩnh Hảo, bia Phú Yên… cho tới Proconco trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và nông nghiêp để gia tăng thị phần trong nước.

Trong vài năm gần đây, giới đầu tư còn chứng kiến sự nổi lên của thương hiệu tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ. Chỉ với thị trường nội địa, HSG đã vươn lên thành một DN đầu ngành với doanh thu cũng sắp tới ngưỡng tỷ USD. Dự kiến với những nhà máy mới và kế hoạch vươn mình sang các thị trường trong khu vực, HSG cũng sẽ sớm lọt CLB danh giá nói trên.

Có thể thấy, trong bối nền kinh tế Việt Nam đang đi lên, thu nhập của người dân đang được cải thiện rõ ràng, thị trường nội địa là một mỏ vàng cho các doanh nhân khai thác. Cùng với nhiều công nghệ hút vốn mới, giới đầu tư đang chứng kiến nhiều ngôi sao đang lên như VIC, MWG, HSG, FLC… Tuy nhiên, cũng như các thị trường nước ngoài, thị trường trong nước cần những thương hiệu tốt, những doanh nhân làm ăn có uy tín. Sự phát triển quá nóng cùng với sự mất kiểm soát về dòng vốn cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh hay sự mất kiểm soát về chất lượng sản phẩm dịch vụ cũng có thể kéo DN đi xuống và ông chủ của nó cũng lao đao.

M. Hà