- Cuộc chiến dầu khí khiến không ít các ông hoàng Trung Đông khó khăn, cạn tiền. Trong khi đó, giới nhà giàu Trung Quốc đang tung tiền mua khắp thế giới. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để TQ triển khai chiến lược của “gã nhà giàu” trên phạm vi toàn thế giới.

Ông hoàng Arab cạn tiền

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần qua đưa ra cảnh báo về khả năng cạn tiền nếu Saudi Arabia không cắt giảm thâm hụt ngân sách trong bối cảnh giá dầu, vốn đóng góp 80% ngân sách nước này, đang giảm sâu và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Theo IMF, Saudi Arabia có thể sẽ cạn tiền cho chi tiêu trong vòng 5 năm tới nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp. Trong vòng một năm qua, Saudi Arabia đã phải trì hoãn nhiều dự án và lần đầu tiên kể từ 2007 phải phát hành trái phiếu để vay nợ.

Trước đó, tờ Financial Times cho biết, trái ngược với động thái bơm dòng tiền trong suốt nhiều năm trước đó, bắt đầu từ đầu quý II, hàng loạt các công ty quản lý quỹ nước ngoài đã bị Saudi Arabia rút vốn mạnh.

Nỗi lo bị rút vốn đã có kể từ khi giá dầu thế giới lao dốc trong năm trước. Tuy nhiên, hiện tượng rút vốn ồ ạt mới bắt đầu trong vài tháng qua. Ngân hàng trung ương Saudi Arabia đã rút khoảng 70 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư ở nước ngoài.

{keywords}

Cuộc chiến dầu khí khiến không ít các ông hoàng Trung Đông khó khăn, cạn tiền.

Tiền rút về được bù đắp thâm hụt ngân sách, vốn được IMF dự báo sẽ thâm hụt khoảng 140 tỷ USD, tương đương 20% GDP, trong năm nay. Dự trữ ngoại hối bằng chứng khoán của Saudi Arabia đã giảm khoảng 70 tỷ USD trong vòng một năm qua, gần như ngang bằng mức giảm của tổng dự trữ ngoại hối trong khoảng thời gian trên.

Trên thực tế, mức dự trữ của Saudi Arabia vẫn khá lớn, khoảng 650 tỷ USD nhưng tốc độ thâm hụt khoảng 20% GDP mỗi năm là một mối đe dọa lớn đối với quốc gia dựa phần lớn vào dầu mỏ này.

Theo Economist, chi tiêu của Saudi Arabia hiện quá lớn, bản thân gia đình hoàng gia cũng đã quen với cách chi tiêu thoải mái và kết quả là chỉ trong 6 tháng, hoàng gia Saudi Arabia đã tiêu hết 60 tỷ USD và phải vay thêm 4 tỷ USD từ các ngân hàng.

Cuộc chiến dầu khí trên thế giới giữa OPEC với Mỹ, giữa Mỹ với Nga, giữa các nước trong lòng OPEC với nhau cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông có lẽ đã gây ra khó khăn với nhiều nước Trung Đông.

Cách đây hơn một năm, giá dầu vẫn còn trên 100 USD/thùng nhưng nay chỉ quanh 45 USD/thùng. Nguyên nhân cũng một phần chính do Saudi Arabia không ngừng tăng sản lượng với sản lượng kỷ lục hơn 10,5 triệu thùng/ngày với mong muốn đẩy các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ phá sản, buộc Nga và Iran ngừng hỗ trợ cho Syria.

Cũng theo IMF, 2 quốc gia khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh là Bahrain và Oman thậm chí còn gặp khó khăn hơn Saudi Arabia do có sản lượng dầu thấp hơn, dự trữ ngoại hối ít hơn và nợ cao hơn.

Nhà giàu Trung Quốc mua thế giới

Trong khi rất nhiều nước OPEC, Nga… gặp khó khăn thì Trung Quốc vẫn nổi lên là một điểm sáng, bất chấp vừa trải qua một cuộc khủng hoảng về TTCK.

{keywords}

Nhà giàu Trung Quốc vẫn mang tiền đi mua sắm, thâu tóm, giải trí trên khắp thế giới.

Trong khi EU sa lầy trong khủng hoảng nợ công, Trung Quốc vẫn rủng rỉnh với túi tiền dự trữ ngoại hối lên tới gần 4 ngàn tỷ USD. Nhà giàu Trung Quốc vẫn mang tiền đi mua sắm, thâu tóm, giải trí trên khắp thế giới, từ Mỹ, cho tới Úc và giờ đây là châu Âu.

Theo CNBC, trong vòng một năm tính tới giữa tháng 8/2015, trung bình mỗi tuần, Trung Quốc có thêm 5 tỷ phú USD và cũng nhờ vậy, quốc gia này đã vượt Mỹ lên đầu thế giới về số lượng tỷ phú, với 596 người.

Cú sốc chứng khoán gần đây khiến không các người giàu Trung Quốc đổ tiền sang các loại tài sản an toàn hơn như trái phiếu, bất động sản tại thành phố lớn. Một nguồn tiền lớn cũng được đổ ra nước ngoài, mua bán thâu tóm các DN, đất đai… và cả các tác phẩm nghệ thuật ở nước ngoài.

Một nghiên cứu của WealthInsight cho biết khoảng 1 triệu triệu phú USD Trung Quốc với tổng tài sản khoảng 16 ngàn tỷ USD đã chuyển tổng cộng 658 tỷ USD ra nước ngoài, trong đó Mỹ là một địa điểm đến ưa thích.

Trong năm 2014, nhà giàu Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan đã rót gần 29 tỷ USD vào BĐS Mỹ, tập trung vào các thành phố ven biển như San Francisco, Los Angeles và New York.

Trong nửa đầu năm 2015, người Trung Quốc đã mua đến 28% tổng lượng căn hộ mới ở Melbourne, mỗi căn hộ từ 1 đến vài chục triệu USD, bất chấp các quy định thắt chặt mua nhà đối với người nước ngoài của Chính phủ Úc.

Theo SCMP, giới nhà giàu Trung Quốc đã mua 19 chiếc lâu đài cổ kính ở châu Âu để phục vụ cho việc nghỉ ngơi và du lịch và làm nơi đón tiếp các khách hàng cao cấp ngay tại các nước trong khu vực này.

Các thống kê cũng cho thấy, ngày càng nhiều đại gia Trung Quốc muốn di dân sang các nước khác trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Vương quốc Anh, New Zealand… Người TQ sẵn sàng bỏ ra nhiều triệu USD để nhập cảnh đầu tư vào các quốc gia phương Tây. Theo khảo sát của Barclays, 47% người siêu giàu Trung Quốc muốn di cư, so với mức trung bình 29% trên toàn thế giới. Người Trung Quốc muốn hiện thực hóa mong muốn “đánh dấu tên mình cho hầu như mọi thứ trên thế giới”.

Trong khi đó, chính phủ TQ cũng đang tăng cường đầu tư ra khắp thế giới. Chuyến thăm Anh của ông Tập Cận Bình với một gói thương mại và đầu tư lên tới 30 tỷ bảng Anh. Hàng năm khoảng 100 tỷ Euro vốn đầu tư TQ ra nước ngoài có 25% đổ vào châu Âu. Chuyến đi lần này, ông Bình cũng muốn biến London thành một trung tâm giao dịch dịch đồng NDT mới và hướng tới biến NDT thành đồng tiền chuyển đổi.

Với sự suy yếu của các nước, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để TQ triển khai chiến lược của “gã nhà giàu” trên phạm vi toàn thế giới.

V.Minh