- Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng, trái ngược hoàn toàn với các khu vực tại châu Á, khi mà mức tăng trưởng đều giảm. Sự phát triển theo hướng khác biệt này của Việt Nam liệu có bền vững hay chỉ là trong ngắn hạn?
Điểm nóng của thế giới
Gần 3 tuần qua, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tăng khá mạnh, khoảng hơn 14%, từ mức 28.000 lên sát 32.000 đồng/cp. Nhờ đó mà ông chủ Trần Đình Long đã nhanh chóng vượt đại gia BĐS - nông nghiệp Đoàn Nguyên Đức, trở thành người giàu thứ hai trên TTCK, chỉ sau tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng.
Sở dĩ cổ phiếu Hòa Phát tăng mạnh trong bối cảnh thị TTCK Việt Nam ảm đạm là bởi doanh thu và lợi nhuận tăng vọt.
Trong quý II/2015, lãi sau thuế của HPG đạt hơn 1,24 ngàn tỷ đồng, tăng tới hơn 31% so với cùng kỳ năm trước, nâng lãi ròng trong 6 tháng đầu năm lên gần 1,9 ngàn tỷ đồng. Doanh thu thuần quý II đạt hơn 7,7 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 16%.
Như vậy, trái với những lo ngại về ảnh hưởng của một nền kinh tế thế giới bất ổn mà hàng loạt các cổ đông cũng như chính lãnh đạo DN này lo ngại, HPG đã ghi nhận quý kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay.
Trong lĩnh vực săm lốp, trong 6 tháng, Cao su Miền Nam (CSM) chứng kiến doanh thu tăng 60%, lợi nhuận tăng 16%. Lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng DRC cũng tăng ở mức tương tự, trong khi Cao su Sao Vàng SRC tăng hơn 40%,...
Nhiều doanh nghiệp BĐS, sau một thời gian khó khăn, cũng bắt đầu có lãi, thậm chí lãi to. CEO Group báo lãi ròng quý II tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng gấp đôi. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 3 lần, còn lợi nhuận tăng 4,6 lần. FLC Group cũng chứng kiến lãi ròng quý II tăng 3,4 lần so với cùng kỳ... Nhiều DN công nghiệp như Itaco cũng có lợi nhuận tăng 80%. Các DN dệt may tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
Nhìn tổng thể, có thể thấy ngoài sự khó khăn của một số DN nông thủy sản, một số DN thuộc lĩnh vực vận tải biển..., thì phần lớn các DN công nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, đang phát triển khá ấn tượng.
Điều đó phần nào giải thích cho những nhận định của thế giới về kinh tế Việt Nam.
Ông Eric Sidgwick, tân Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng 22/9 nhận định rằng, Việt Nam đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao trở lại. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt kỳ vọng trong 2015 và 2016.
Tuần trước, Bloomberg đánh giá, Việt Nam là một trong những điểm sáng hiếm hoi còn sót lại của các thị trường kinh tế mới nổi, sẽ đứng vững trước bão kinh tế toàn cầu và khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét rót tiền vào đây.
Trước đó, ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, cũng cho rằng, Việt Nam đang ở trạng thái bình ổn một cách xuất sắc khi chống đỡ với suy thoái thương mại trong khu vực và là nền kinh tế duy nhất ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực về xuất nhập khẩu.
Thế giới bất định, Việt Nam là ngoại lệ?
Trong báo cáo Asian Development Outlook 2015 công bố sáng 22/9, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,1% trong dự báo đầu năm lên 6,5% cho năm 2015 (6,6% năm 2016); lạm phát giảm từ 2,5% xuống còn 0,9% cho 2015 và mức 4% giữ nguyên cho 2016.
Như vậy, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trái ngược hoàn toàn với các khu vực tại châu Á, khi mà mức tăng trưởng đều giảm.
Các chuyên gia ADB cho rằng, triển vọng thương mại Việt Nam có thể trở nên ảm đạm nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm. |
Theo ADB, đó là do Việt Nam có sản lượng công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng tăng, tăng trưởng tín dụng vượt trội, FDI tăng, lạm phát được kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện. Cụ thể trong 8 tháng, giải ngân FDI tăng lên tới 8,5 tỷ USD. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy sản xuất mở rộng trong 24 tháng liên tiếp; tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng vượt mục tiêu 13-15%,... Thời gian tới, các chính sách nới room chứng khoán và BĐS cũng sẽ góp phần nâng đỡ tăng trưởng.
Trên thực tế, các DN trong khu vực công nghiệp cũng như BĐS đã có những bước tăng trưởng khá ấn tượng. Chi phí kinh doanh giảm theo thế giới đã giúp không ít DN như thép Hòa Phát, cao su, BĐS,... hưởng lợi.
Tuy nhiên, cũng còn không ít mối lo. ADB cho rằng, triển vọng thương mại Việt Nam có thể trở nên ảm đạm nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm. Giả cả hàng hóa thế giới giảm sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của một số hàng hóa chủ lực như dầu thô, nông sản. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lo ngại về khả năng cân đối ngân sách của Việt Nam và nợ công tăng nhanh.
Nhiều dấu hiệu cho thấy, kinh tế Việt Nam là điểm sáng so với thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung, lợi thế dường như vẫn là ngắn hạn. Việt Nam được đánh giá đang hưởng lợi do giá nguyên liệu đầu vào bao gồm xăng dầu ở mức thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, thị trường vốn kém phát triển hơn nên ít chịu ảnh hưởng về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng vừa thoát qua giai đoạn khó khăn của cuộc khủng hoảng 2008 và đang trong thời kỳ phục hồi.
Kinh tế thế giới được đánh giá ngày càng khó đoán định. Các nền kinh tế phụ thuộc ngày càng chặt chẽ nhau. Chính sách hỗ trợ hoặc những lợi thế cạnh tranh thông qua hỗ trợ, hay thúc đẩy xuất khẩu chỉ là ngắn hạn. Tăng trưởng nhờ vào hiệu quả đầu tư, từ đồng vốn của tư nhân cho tới nhà nước, chất lượng đầu tư cũng như khả năng cắt giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới là lâu dài.
M. Hà