Ông Phạm Nhật Vượng khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST. Ông Nguyễn Duy Hưng chính thức giữ được thương hiệu Bibica. Nhà ông Đặng Văn Thành đẩy mạnh vốn cho bất động sản. Nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) cũng âm thâm tìm hướng mới trong mảng địa ốc. Tham vọng của các doanh nhân Việt đang thu hút sự quan tâm của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tuần qua là sức hút của các cổ phiếu lớn. Sức cầu mạnh đối với các cổ phiếu đầu ngành cùng với hoạt động mua vào rất tích cực của khối ngoại đã giúp thị trường có một tuần đi lên ấn tượng.
Trong phiên cuối tuần, khối ngoại tiếp tục mua ròng 100 tỷ đồng sau khi đã mua ròng gần chục phiên trước đó. Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng luôn đứng đầu trong các phiên mua ròng gần đây.
Tính chung trong tháng 8, khối ngoại đã mua ròng hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, còn cộng dồn 8 tháng thì con số mua ròng lên tới gần 14 ngàn tỷ đồng. Đây có lẽ là lý do tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng điểm trong 7 tháng đầu năm và chỉ điều chỉnh giảm khoảng hơn 2 tuần trước khi tăng trở lại.
Tham vọng của các doanh nhân Việt đang thu hút sự quan tâm của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Chỉ số VN-Index liên tục lấy lại được mốc 770 điểm, 780 điểm và đang chinh phục trở lại ngưỡng 800 điểm.
Các nhà đầu tư nước ngoài gần đây đổ tiền vào khá nhiều cổ phiếu chủ chốt trên sàn, trong đó có Vingroup (VIC), Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên, Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ, Coteccons (CTD) của ông Nguyễn Bá Dương… Đây đều là các cổ phiếu đầu ngành của các doanh nhân có tham vọng khá lớn.
Ông Phạm Nhật Vượng vừa khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Dự án áp dụng công nghệ tiêu chuẩn Âu Mỹ được kỳ vọng sẽ mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp cơ giới tại Việt Nam, trong đó có mảng sản xuất ô tô điện đang rất có triển vọng. Vingroup đã thành trên khá nhiều mảng, trong đó có bất động sản, nghỉ dưỡng, bán lẻ…
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long trong khi đó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với tốc độ tăng trưởng cao và đều đặn trong hàng chục năm qua. Ông Trần Đình Long là người có những bước đi thận trọng. Dự án mới Khu liên hợp gang thép Dung Quất được xem là một bước ngoặt có thể giúp Hòa Phát trở thành luyện cán thép hàng đầu trên thế giới. Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm (đặt tại tỉnh Quảng Ngãi) sẽ giúp HPG giữ vững ngôi vị dẫn đầu trong mảng thép xây dựng và thép ống.
Giới đầu tư nước ngoài hiện cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu ngành thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh như Vinamilk (VNM), Bia Sài Gòn (Sabeco), Habeco, Masan Consumer, Vinasoy… ở một thị trường đông dân số như Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng không dễ mua vào.
Nhiều doanh nhân trong nước cũng tìm đến những cổ phiếu đầy triển vọng này. Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn vừa kết thúc ván cờ kéo dài nhiều năm và đã chính thức giữ được thương hiệu Bibica. Pan Food của ông Nguyễn Duy Hưng vừa chính thức nâng sở hữu tại BBC lên trên 50%, áp đảo so với đối thủ Lotte đến từ Hàn Quốc (hiện sở hữu khoảng 44% BBC).
Mảng bất động sản và xây dựng cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, thị trường bất động sản vẫn đang sôi động. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tích cực mở rộng hoạt động.
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR) của ông Đặng Hồng Anh vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi để tăng quy mô vốn hoạt động. SCR cũng chuẩn bị phát hành gần 16 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 cho cổ đông và tăng vốn điều lệ.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, Sacomreal đã thông qua phương án nhận chuyển nhượng hơn 39% cổ phần tại CTCP Khu Công nghiệp Thành Thành Công với giá trị nhận chuyển nhượng gần 500 tỷ đồng.
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) cũng vừa bỏ ra vài trăm tỷ đồng để mua công ty sông Mã (một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, và kinh doanh phát triển nhà) sau khi tái cấu trúc nợ bằng việc bán dự án Phước Kiển. Qua đó, QCG nắm giữ gần 99% vốn CTCP Giai Việt. CTCP Giai Việt cũng chính là đơn vị thực hiện dự án Giai Việt Residence.
QCG của nhà ông Nguyễn Quốc Cường gần đây cũng đã mua đứt dự án khu dân cư đẳng cấp 5 sao Sông Đà Riverside từ CTCP Ani (SIC).
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Quy mô của riêng sàn Hà Nội (HNX) đã lên tới 1000 doanh nghiệp, trong đó 379 doanh nghiệp niêm yết và 621 doanh nghiệp trên UPCOM, với tổng vốn hóa tương ứng là 324 ngàn tỷ đồng và 464 ngàn tỷ đồng.
Thị trường sôi động một phần do dòng vốn ngoại chảy vào các cổ phiếu lớn, phần khác do những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng tín dụng đang rất cao và sẽ còn cao hơn trong các tháng tới. Tính tới cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 11,5%.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và nợ xấu đang thấp đi cũng là lực đẩy đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng và qua đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Theo NHNN, tính tới hết tháng 7/2017, hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 41 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 60% so với cùng kỳ.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 1/9, VN-index tăng 5,79 điểm lên 788,73 điểm; HNX-Index giảm 0,08 điểm xuống 103,81 điểm. Upcom-Index giảm 0,02 điểm xuống 54,46 điểm. Thanh khoản đạt 182 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 3,5 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.
H. Tú