Hàng loạt giải pháp chiến lược được Tổng thống Putin vạch ra nhằm giữ vững và thức đẩy kinh tế nước Nga sau trừng phạt của phương Tây. Hàng chục tỷ USD đã được bơm ra để cấp cứu trước mắt và định hướng tới một nền kinh tế nước Nga đa dạng, ít bị sốc hơn trong tương lai.
Bơm tiền
Thủ tướng Nga Medvedev hôm 28/1 đã thông qua bản kế hoạch “chương trình chống khủng hoảng”, có hiệu lực trong vòng một năm, gồm 60 biện pháp cứu nền kinh tế quốc gia thoát cơn bĩ cực.
Theo đó, Nga dự kiến chi ra 2,3 ngàn tỷ rúp (35 tỷ USD) để chống khủng hoảng. Tiền lấy từ ngân sách, được tích lũy từ xuất khẩu năng lượng khi giá dầu còn ở mức cao.
Ngoài ra, Nga sẽ thiết lập một ngân hàng chuyên đi thu những khoản nợ từ các công ty và tài sản công ty còn tranh chấp. Dự kiến, đến tháng 3/2015, Nga sẽ chốt tổng số tiền phải chi để thực hiện kế hoạch tổng thể cứu vãn nền kinh tế sau khi được thông qua.
Chính sách hướng Đông cùng với các giải pháp vực dậy nền kinh tế yếu kém ở Viễn Đông là chiến lược vực dậy nước Nga về dài hạn. |
Trước đó, hôm 27/1, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thông qua hàng loạt biện pháp chính trong kế hoạch cứu vãn nền kinh tế, bao gồm việc cắt giảm 10% những khoản chi lớn, ngoại trừ những khoản ngân sách cho quốc phòng và hỗ trợ ngành nông nghiệp, cũng như các cam kết với người dân trong nước và quốc tế.
Trong tuần trước, theo hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Nga Putin cũng chỉ thị nghiên cứu khả năng cấp miễn phí một hecta đất cho mỗi cư dân Viễn Đông để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, theo Tiếng nói nước Nga, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm phái viên tổng thống khu vực liên bang Viễn Đông Yuri Trutnev cho biết, ông muốn đề nghị cấp phát miễn phí cho mỗi cư dân Viễn Đông cũng như cho ai có nguyện vọng đến Viễn Đông 1 hecta đất để làm nông nghiệp, tổ chức kinh doanh, sản xuất lâm nghiệp hoặc săn bắt thú. Thời hạn cấp đất là 5 năm, sau thời gian đó sẽ cấp quyền sở hữu hoặc thu hồi.
Hồi cuối năm ngoái, phát biểu trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, ông Putin cũng đưa ra khá nhiều phương án cứu nguy kinh tế, trong đó có đề nghị ân xá để cho các dòng vốn trở lại nước Nga.
Chẳng hạn, Tổng thống Nga hối thúc ân xá toàn bộ cho các dòng vốn hải ngoại trước kia. Các NĐT có thể đưa vốn trở lại Nga, và được bảo đảm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự. Nếu được, đây sẽ là dòng tiền lớn giúp giải quyết những khó khăn hiện tại của kinh tế Nga, giúp đồng Rúp mạnh hơn, giải tỏa sức ép đối với hệ thống tài chính của nước này.
Đối với dòng tiền chảy ra ngoài, ông Putin cũng đã ban hành một luật mới để kiểm soát tình hình.
Nước Nga tính đường dài
Kinh tế Nga khủng hoảng bắt nguồn từ những lệnh trừng phạt của phương Tây với cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine và tác động của giá dầu giảm “không phanh” gần đây.
“Nếu muốn gây ảnh hưởng lên nền kinh tế Nga, cần phải tăng các lệnh trừng phạt lên đáng kể nhưng chẳng có ai sẵn sàng làm những điều như vậy”, Carsten Nickel - Phó chủ tịch Teneo Intelligence (Đức) chia sẻ trên Bloomberg. |
Trong năm 2014, đồng Rúp mất giá khoảng 45% giá trị so với đồng USD và 40% giá trị so với đồng Euro, khoảng 150 tỷ USD đã bị rút ra khỏi Nga. Nhiều khả năng, EU có thể nới rộng danh sách các cá nhân Nga cũng như lãnh đạo phe ly khai bị cấm cấp visa và phong tỏa tài sản.
Tuy nhiên, nhìn chung, gần đây đồng tiền của Nga đã ổn định trở lại và có dấu hiệu nhiều nước trong khu vực EU không còn muốn gây áp lực lên nước Nga trong cuộc đối đầu căng thẳng Nga - Mỹ.
Hơn thế, một số chuyên gia nhận định trên Bloomberg cho rằng, các lệnh trừng phạt của EU sẽ không thể thay đổi được tình hình.
Một số nguồn tin cho thấy, có tới gần một nửa các nước trong EU ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, do vậy khả năng đồng loạt 29 thành viên khối này nâng trừng phạt áp lên Nga là rất thấp.
Khoảng lặng trong cuộc đối đầu Đông Tây có lẽ là thời gian quý báu để ông Putin đưa ra những chính sách vực dậy nền kinh tế rệu rã và tính đường lâu dài cho tương lai, nhất là khi tỷ lệ ủng hộ của người dân đối vị tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 này vẫn còn rất lớn.
Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ và lấy được vị thế tương đối trên quốc tế, nước Nga vẫn còn nhiều điểm yếu chết người. Đó là một nền kinh tế kém đa dạng, phụ thuộc quá nhiều vào dầu khí. Một nền kinh tế mà các sản phẩm nông nghiệp nhập phần lớn từ châu Âu. Người dân muốn tiêu dùng hàng hóa cao cấp, xa xỉ cũng phải nhập từ nước ngoài.
Kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 35 tỷ USD vừa được Thủ tướng Nga đưa ra có lẽ là giải pháp sơ cứu nền kinh tế đang bị tổn thương. Trong khi đó, chính sách hướng Đông cùng với các giải pháp vực dậy nền kinh tế yếu kém ở Viễn Đông là chiến lược vực dậy nước Nga về dài hạn.
Mặc dù vậy, kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát đất đai tại vùng Viễn Đông cho người dân địa phương của chính phủ Nga và bài toán xây dựng “đối tác chiến lược” cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ.
Bởi, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây có thể là khu vực hậu phương chiến lược quan trọng, cung cấp hàng loạt hàng hóa, nguyên liệu chủ chốt cho Trung Quốc. Cơn khát của các nguyên liệu cùng với như cầu phát triển nóng của nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn tới một làn sóng di cư ồ ạt sang khu vực Viễn Đông xa xôi rộng lớn nhưng ngày càng ít người Nga sinh sống.
Văn Minh