“Tôi không chắc số lượng xe tăng như vậy có thể thay đổi được cục diện trận chiến”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Zelensky nói hôm 9/7 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ.

Hồi tháng 5, CNN dẫn lời các binh sĩ Ukraine cho hay nhiều vấn đề đã nảy sinh khi quân đội nước này sử dụng xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp trên tiền tuyến. Cụ thể, lớp giáp của những chiếc xe tăng trị giá 10 triệu USD này không đủ khả năng chống lại các vũ khí thời hiện đại như máy bay không người lái (UAV), do đó không thể bảo vệ an toàn cho kíp lái khi bị tấn công. Thậm chí, một binh sĩ Ukraine cho biết xe tăng M1 Abrams còn trở thành “mục tiêu số 1” của các lực lượng Nga.

xe tang my.jpg
Xe tăng Abrams M1 bị phá hủy trong xung đột ở Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga 

Ngoài ra, những chiếc xe tăng của Mỹ còn gặp vấn đề về kỹ thuật như tình trạng ngưng tụ hơi nước làm ảnh hưởng đến các linh kiện điện tử. Họ cho rằng xe tăng Abrams không phù hợp với xung đột ở Ukraine, do Kiev thiếu sức mạnh không quân và pháo binh nên không thể mở đường trước cho xe tăng và bộ binh tiến lên sau.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng nhiều lần tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy các xe tăng Abrams ở Ukraine.

Còn theo ông Zelensky, Ukraine sẽ cần ít nhất 128 tiêm kích F-16 do phương Tây cung cấp ngay lập tức, nếu không sẽ không thể sánh kịp với Không quân Nga.

Tính tới tháng 5, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cam kết cung cấp khoảng 85 chiếc F-16 cho Kiev, nhưng thời gian giao hàng vẫn chưa rõ ràng.

Vào tháng 6, tờ Politico dẫn lời các quan chức Mỹ và NATO cho hay Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Bỉ đã lên kế hoạch giao hơn 60 chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine vào mùa hè này, nhưng Kiev sẽ không có đủ số phi công được huấn luyện cho đến cuối năm 2025. Dự kiến chỉ có 20 phi công Ukraine sẽ hoàn thành khóa đào tạo lái F-16 vào cuối năm nay, tương đương 1/2 số nhân viên cần thiết để vận hành một phi đội gồm 20 máy bay.

Theo các quan chức Mỹ, Kiev muốn Washington đào tạo thêm phi công Ukraine lái F-16, nhưng hiện không còn chỗ để tiếp nhận thêm phi công vào chương trình huấn luyện.

Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga sẽ coi việc chuyển giao các chiến đấu cơ F-16 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cho Ukraine là hành động báo hiệu có chủ ý của NATO trong lĩnh vực hạt nhân.

Điện Kremlin cũng đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, bởi điều đó chỉ khiến căng thẳng xung đột thêm leo thang. Nga khẳng định bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí cung cấp cho Ukraine cũng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp trong các cuộc tấn công của Nga.