Tham vọng gia tăng ảnh hưởng với kinh tế toàn cầu động cơ thôi thúc Trung Quốc đưa ra quyết định quyết định bất ngờ trong 2015. Điều này tạo ra một cú sốc và sự dè chừng cho thị trường tài chính thế giới.
Tháng 8/2015, Ngân hàng Trung ương TQ (PBoC) đã có một quyết định khiến cả thế giới bất ngờ: đưa cơ chế quản lý đồng nhân dân tệ (NDT) sang một trang mới, chuyển từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ.
Với quy chế xác định tỷ giá tham chiếu hàng ngày dựa trên diễn biến trên thị trường, liên tiếp trong 3 ngày từ 11-13/8/2015, PBoC đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu lần lượt là 1,9%, 1,6% và 1,1%, đưa đồng NDT giảm tổng cộng gần 5% xuống còn 6,45 NDT/USD, mức thấp kỷ lục trong suốt 4 năm trước đó.
Quyết định bất ngờ của PBoC là một thay đổi rất lớn và ngay lập tức được cho là đã khơi mào cho cuộc chiến tranh tiền tệ ở châu Á và buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải trì hoãn nâng lãi suất.
Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT (yuan) trong năm 2015. |
Hàng loạt các đồng tiền trong khu vực đã ngay lập tức lao dốc. Ringgit Malaysia sụt giảm xuống mức thấp nhất gần 2 thập kỷ so với USD; đồng Rupiah Indonesia cũng xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm. Đô-la Australia, New Zealand, Singapore, won Hàn Quốc… đều giảm mạnh.
Điều mà các đối tác xuất khẩu lớn nhỏ trên thế giới của TQ nhìn thấy sau động thái này là một đòn giáng mạnh vào sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của họ. TQ phá giá đồng NDT là một tin xấu đối với các đồng tiền châu Á. Sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu khiến các nước đồng loạt theo chân TQ hạ giá đồng nội tê.
Làn sóng giảm giá còn kéo dài sau đó và đây được xem là cuộc chiến tiền tệ mới bởi trước đó trừ Mỹ, NHTW các nước đã liên tục lỏng chính sách tiền tệ với mục tiêu chống giảm phát và bảo vệ nền kinh tế trước đồng USD tăng giá và giá dầu lao dốc.
Một tuần sau đó, nền kinh tế mới nổi Kazakhstan - nước có 2 đối tác thương mại lớn nhất là TQ và Nga - thậm chí còn thả nổi tỷ giá, xóa bỏ biên độ tỷ giá, khiến đồng Tenge sụt 23% xuống mức thấp chưa từng có.
Quyết định phá giá NDT của TQ được xem là bất ngờ. Eurozone và Nhật Bản không hề có sự phòng bị đối với một động thái như vậy. Đây chính là nguyên nhân khiến ECB phải kéo dài thời gian thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE). Trong khi Nhật đối mặt với thách thức lớn hơn khi mà chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe với trọng tâm nới lỏng tiền tệ và kích thích tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Cú sốc "gây chiến" và âm mưu toàn cầu Trung Quốc. |
Tại Việt Nam, sau khi NDT phá giá, NHNN đã phải 2 lần nới biên độ, mỗi lần 1% (vào 12/8 và 19/8) và một lần tăng tỷ giá (1% hôm 19/8). Giá USD trên thị trường tự do sôi sục, tăng tổng cộng 1.000-1.100 đồng, có lúc lên 22.950 đồng/USD (chiều bán).
Thị trường dầu thế giới xuất hiện tình trạng bán tháo, giá sụt xuống đáy 6 năm rưỡi. Trong nước TTCK, DN và người dân TQ cũng bị ảnh hưởng. Giới tỷ phú TQ sau khi mất 100 tỷ USD hồi tháng 7 khi TTCK biến động, đã mất thêm hàng chục tỷ USD do NDT giảm.
Cuộc chiến chưa dừng?
Sau cú “bẻ lái” lịch sử, đồng NDT khá ổn định trong khoảng 3 tháng rưỡi sau đó. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tuần sau khi được IMF lựa chọn vào giỏ tiền tệ quốc tế, đồng NDT của TQ lại liên tục lao dốc, xuống mức thấp hơn mức đáy ghi nhận sau cú sốc phá giá hồi tháng 8/2015.
Trong tuần thứ 2 của tháng 12, NHTW TQ (PBoC) đã nhiều phiên liên tiếp thiết lập giá tham chiếu ở mức thấp dần đều. Tính tới hết 11/12, tỷ giá USD/NDT đã xuống tới 6,455, mức thấp nhất trong 4,5 năm. Tổng cộng trong tuần, NDT giảm 0,8% trong nước và giảm 1,2% trên thị trường quốc tế.
Hiện tượng này khiến giới đầu tư lo ngại về một toan tính dần dần phá giá khoảng 10% của TQ mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ trước. Tỷ giá có thể xuống tới 6,8 NDT đổi 1 USD vào khoảng cuối 2016.
Cú sốc phá giá NDT bất ngờ với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cảnh báo này cũng đã từng được đưa ra trước đó, trong bối cảnh nền kinh tế TQ sụt giảm tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 7% so với mức trung bình 10% trong suốt thời kỳ 1980-2012 và được dự báo còn chậm hơn nữa. TTCK trong khi đó đổ dốc không phanh.
Tham vọng vực dậy kinh tế, duy trì tăng trưởng và việc làm nhưng vẫn muốn đồng thời tăng quyền lực cho đồng NDT trong kinh tế toàn cầu được xem là động cơ khiến TQ đưa ra quyết định một quyết định bất ngờ trong năm 2015.
Lợi ích của một đồng tiền mạnh như USD và euro vượt xa biên giới quốc gia, ít nhất trong lĩnh vực tài chính và thương mại toàn cầu. Đây là điều TQ khát khao trong bối cảnh đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đích đến của NDT là đồng tiền dự trữ toàn cầu đã thành hiện thực vào cuối tháng 11/2015.
Một đồng NDT yếu hơn nữa nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu là một lựa chọn. Vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu của NDT đã được xác định sau quyết định của IMF. TQ sẽ buộc phải giữ giá đồng NDT để được sử dụng rộng rãi trên thế giới và tránh dòng vốn tháo chạy. Tuy nhiên, đó là về dài hạn. Đầu xuôi đuôi sẽ lọt. Trong ngắn hạn, có lẽ TQ muốn một đồng nội tệ yếu, vừa để vực dậy nền kinh tế vừa để phản ứng với khả năng Fed bước vào một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, ứng với một đồng USD mạnh lên.
M. Hà