- Năm 2011, ngành y tế để
lại dấu ấn đậm trên các phương tiện truyền thông đại chúng về những chính sách,
cuộc vận động liên quan đến y đức bác sỹ. Từ câu chuyện y đức bác sỹ, một lọat
các vấn đề khác đã được xới xáo, mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp, trong
đó đáng chú ý là nhận định của các chuyên gia cho rằng hệ thống y tế Việt Nam
đang bị rối nhiễu giữa công và tư. Cần một sự thay đổi triệt để để cải thiện
chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập bác sỹ và diệt tận gốc nạn phong bì
bệnh viện.
Ngoài ra, ngành y tế cũng nóng với dịch tay chân miệng, hành hung bác sỹ, sai
phạm tại các phòng khám tư nhân Trung Quốc và vấn đề tăng viện phí được xới lên
vào tháng 9/2011.
5 bệnh viện cam kết “nói không với phong bì”
Bác sỹ của BV Việt Đức đang chăm sóc bệnh nhân (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Bắt đầu từ tháng 9/2011, 5
bệnh viện lớn nhất tại Hà Nội đã được chọn để “thí điểm” triển khai Quy tắc ứng
xử nâng cao Y đức, trong đó có nội dung: “Nói không với phong bì”.
5 bệnh viện được Bộ Y tế chọn thí điểm để thực hiện triển khai Quy tắc ứng xử,
nâng cao Y đức (trong đó có nội dung “nói không với phong bì”) gồm: Bệnh viện
Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện E, bệnh viện Phụ sản TW và bệnh viện K.
Nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của phong trào này, khi lâu nay việc đưa
và nhận phong bì đã trở thành chuyện thường ngày ở các bệnh viện tuyến trên. Mặc
dù các bệnh viện đều khẳng định từ lâu đã rà soát gắt gao nạn nhận phong bì của
nhân viên y tế, nhưng thực tế ngay cả sau khi ký cam kết trên, chuyện bệnh nhân,
người nhà đưa tiền cho bác sĩ, y tá vẫn tiếp diễn khá phổ biến.
Chính những người trong ngành y cũng có ý kiến trái chiều. Không ít bác sĩ cho
rằng "phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì được" và muốn chấm dứt nạn này,
cảbệnh nhân cũng phải kiên quyết nói "không". Các bác sĩ cũng thừa nhận, tệ
phong bì không thể một sớm một chiều chấm dứt.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển
cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng
chuyện phong bì bệnh viện nói riêng và y đức xuống cấp nói chung có nguyên nhân
sâu xa từ cấu trúc ngành y tế của ta hiện nay rất nhiễu loạn và nó không còn phù
hợp trong hoàn cảnh mới.
Diễn đàn VietNamNet:
Ngành y tế VN đang rối nhiễu hệ thống
Ông Tuấn phân tích sự
nhiễu loạn này trên hai phương diện:
Thứ nhất: Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, điểm mạnh rõ rệt là tạo ra sự
cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật nhất định nhằm phát huy tối đa
nguồn lực trong xã hội để phục vụ chính các nhu cầu của xã hội đó song nhược
điểm của nó là nó sẽ làm phát sinh tình trạng kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu.
Đối với dịch vụ y tế, điểm này rất rõ rệt. Lĩnh vực y tế có đặc thù là người dân
không tự đánh giá, xác định được nhu cầu và chất lượng dịch vụ mà mình được thụ
hưởng. Nhu cầu và chất lượng dịch vụ y tế do chính nhà cung cấp dịch vụ quyết
định (tức là các bác sỹ, các cơ sở khám chữa bệnh).
Ở Việt Nam, không có tổ chức trung gian độc lập giám sát chất lượng dịch vụ y
tế. Như vậy là việc khám chữa bệnh và điều trị là không thể khách quan. Và trên
thực tế là bên cung cấp dịch vụ (bác sỹ, bệnh viện) sẽ tận thu và đẻ ra một loạt
hệ quả như lạm dụng kỹ thuật, chất lượng điều trị chạy theo đồng tiền, vv…
Thứ hai: Khi đẩy ngành y tế vào kinh tế thị trường, ngoài các cơ sở y tế tư nhân
ra đời thì phần y tế công lập còn lại vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp, phân
chia theo các tuyến và đầu tư kinh phí theo các tuyến.
Điều đó dẫn tới hệ quả là bệnh viện tuyến nào chỉ được giới hạn làm các chỉ tiêu
kỹ thuật tương ứng với tuyến. Khi đó, nó vừa khiến cho tuyến trên luôn luôn được
phát triển (và kìm hãm tuyến dưới), nó vừa tạo cảm giác cho người dân là chỉ có
tuyến trên mới thực hiện được các kỹ thuật phức tạp.
Cộng với điều kiện giao thông và thông tin tốt thì việc người bệnh đi lên tuyến
trên là tất yếu khiến tuyến trên quá tải. Từ đây, người dân ganh đua nhau để có
thể được sử dụng dịch vụ tốt. Nạn phong bì và y đức có điều kiện tốt để nảy sinh
và phát triển từ đó.
Cần bộ phận kiểm định
độc lập chất lượng y tế
Tại buổi tọa đàm về y đức và phong bì bệnh viện do báo VietNamNet tổ chức,
ông Trần Tuấn Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng –
RTCCD (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN) đã đề xuất thành lập bộ
phận giám sát chất lượng y tế độc lập, hướng về phía người bệnh, hỗ trợ họ đánh
giá nhu cầu chăm sóc y tế và chất lượng dịch vụ họ được thụ hưởng.
Theo ông Trần Tuấn, bộ phận này sẽ hoạt động độc lập với tất cả các bên để giải
quyết được bài toán chênh lệch thông tin giữa bác sỹ và người bệnh, từ đó tạo ra
cơ sở để dẹp bỏ dần những biểu hiện vi phạm y đức rất phổ biến hiện nay như: Lạm
dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc vô tội vạ, …
Ông Trần Tuấn đã đưa ra những phân tích, nhận định để chứng minh rằng chuyện
không công bằng và tham nhũng trong y tế Việt Nam hiện nay là tất yếu, bởi bên
cung ứng dịch vụ (bệnh viện, bác sỹ) hoàn toàn tự quyết tất cả các vấn đề (như
nhu cầu, mức độ) chăm sóc y tế của bên nhận dịch vụ (người bệnh).
Trong bối cảnh các biện pháp giám sát của ta chưa tốt, và quan trọng hơn là chế
độ đãi ngộ chưa xứng đáng, cán bộ y tế sẽ “lạm dụng” kỹ thuật, thuốc thang để
kiếm lời.Vì thế, theo ông Trần Tuấn, cần thiết phải lập ra bộ phận giám sát độc
lập để hướng tới một nền y tế minh bạch, lấy đó làm cơ sở để quản trị, nâng cao
y đức.
Ngành y quyết tăng viện
phí
Tháng 9/2011, vấn đề tăng viện phí một lần nữa lại hâm nóng dư luận khi Bộ Y tế
trình bày tóm tắt thông tin về việc thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế tài
chính và điều chỉnh giá viện phí ở các đơn vị y tế công lập; Kết quả thực hiện
việc thu một phần viện phí thời gian qua; … và thể hiện quyết tâm tăng viện phí
trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng nêu rất kỹ về các tồn tại trong vấn đề viện phí hiện nay và đưa ra
nhiều lý lẽ phân tích để thấy được sự cần thiết phải điều chỉnh khung giá viện
phí. Đặc biệt, trước các ý kiến phản hồi về cách xây dựng khung giá mới, Bộ Y tế
còn nêu lại quá trình xây dựng khung giá với sự tham gia của nhiều Bộ, Ban,
Ngành để chứng minh sự khách quan của khung giá mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm muốn tăng viện phí, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra các giải
đáp thỏa đáng cho những câu hỏi như:
Công khai minh bạch tài chính của các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tuyến
trung ương;
Tính khoa học, hợp lý của khung giá viện phí mới; Bài toán
mở rộng đối tượng tham gia BHYT và lộ trình thực hiện BHYT toàn dân;
Chính sách hỗ trợ người nghèo.
Hiện khung giá viện phí mới chưa được thống nhất.
Dịch tay chân miệng hoành hành, địa phương không công bố dịch
Năm 2011, dịch tay chân miệng hoành hành, nhiều địa phương không công bố dịch (Ảnh: VietNamNet) |
Xuất hiện từ vài năm trước,
nhưng đến năm nay bệnh tay chân miệng mới bùng phát mạnh, lan rộng trên cả nước
và trở thành nỗi lo của tất cả ông bố bà mẹ.
Tháng 8, bệnh lan ra 49 địa phương, với hơn 29.000 ca, 79 trẻ tử vong, thì đến
tháng 11, cả nước đã ghi nhận hơn 90.000 trường hợp mắc bệnh với 153 em bé tử
vong. Hàng loạt trường học tại ở các 3 miền Bắc, Trung, Nam phải đóng cửa vì
bệnh lây lan chóng mặt.
Các chuyên gia và các bác sĩ đã cảnh báo về việc đã đến lúc ngành y tế công bố
dịch.Tuy nhiên, trong những tháng cao trào đó, hầu như tất cả địa phương đều
khẳng định bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa cần thiết phải công bố dịch.
Tháng 11, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất "can đảm" ra tuyên bố này, toàn bộ nhân
lực tập trung cho việc dập dịch. Giữa tháng 12, tỉnh công bố hết dịch.
Bộ Y tế cho rằng quyền công bố dịch là của các địa phương và đưa ra hướng dẫn cụ
thể, song nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân Bộ Y tế cũng chưa đóng tốt vai trò
đầu tàu, góp phần khiến bệnh lan nhanh khó kiểm soát.
Bác sỹ liên tiếp bị hành
hung
Năm 2011 là năm "kỷ lục" của ngành y về số vụ xung đột giữa bệnh nhân với bác sĩ
cũng như số đơn khiếu kiện thầy thuốc. Hàng loạt bác sĩ bị người nhà bệnh nhân
tấn công tại nơi làm việc, như nhân viên cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai bị chửi
mắng, đạp vào bụng, bác sĩ bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị đâm chết, một
số người bị rượt đánh... khiến những người làm nghề y hoang mang.
"Mình làm nghề cứu người mà không được ai bảo vệ", một bác sĩ bày tỏ. Tuy nhiên,
một số người cho rằng những hành động trên là do tức nước vỡ bờ, vì sự giao tiếp
không tốt, thái độ vô trách nhiệm của những người làm nghề y.
Năm qua cũng chứng kiến hàng chục vụ kiện tụng liên quan đến y đức và chuyên môn
của người thầy thuốc, để lại những hậu quả nghiêm trọng như thai phụ tử vong,
người bệnh phải cưa chân, hay bệnh nhân mổ thận trái lại cắt bị luôn cả thận
phải...Trong đa số vụ việc, kết luận cuối cùng của cơ chức năng cũng khẳng định
phần lỗi không nhỏ thuộc về phía bệnh viện, trong đó bao gồm cả sự tắc trách,
thái độ lơ là, lẫn trình độ chuyên môn... của người thầy thuốc.
Sai phạm nghiêm trọng
tại các phòng khám tư nhân Trung Quốc
Giá khám chữa bệnh "trên trời", quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo... là những
thực tế được ghi nhận tại không ít phòng khám có yếu tố nước ngoài ở cả Hà Nội
và TP HCM năm qua, khiến nhiều người bức xúc.
Từ đơn khiếu nại của một nữ công nhân về việc chị phải tốn tới 12 triệu đồng cho
4 ngày điều trị phụ khoa tại một cơ sở ở Thái Thịnh, Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc
kiểm tra. Kết quả, trong số 13 phòng khám có yếu tố nước ngoài, thanh tra sở đã
xử phạt 7 cơ sở.
Hai bác sĩ người nước ngoài khám chữa bệnh về sản phụ khoa, trĩ bị phát hiện
hành nghề khi chưa có giấy phép.Tuy nhiên, sau khi bị "tuýt còi", một số phòng
khám này vẫn tiếp tục "chém" khách. Trong đợt tái kiểm tra giữa tháng 11, Thanh
tra Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện sai phạm tại 2 cơ sở và tiếp tục xử phạt.
Tại TP HCM, Sở Y tế cũng nhận được nhiều phản ánh bức xúc của người dân về việc
không ít phòng khám lương y không đeo biển tên, chỉ hỏi qua quýt bệnh nhân mà số
tiền tạm ứng điều trị lại cao. Một số phòng khám hoạt động và quảng cáo do lương
y nước ngoài đảm trách nhưng không có phép hoạt động.
Ngọc Anh (Tổng hợp)